1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường viễn thông di động:

Chất lượng giảm do cạnh tranh hỗn loạn

Các doanh nghiệp viễn thông di động đang xé rào với các “tiểu xảo” nhằm thu hút thuê bao mới trong khi Bộ Bưu chính Viễn thông bình chân như vại trước nguy cơ bùng nổ thuê bao ảo. Hậu quả nhãn tiền là chất lượng cuộc gọi giảm sút do "cuộc chiến" cạnh tranh hỗn loạn.

Khuyến mãi tăng - chất lượng giảm

 

Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều khách hàng phản ánh sự giảm sút khá rõ rệt về chất lượng dịch vụ viễn thông di động (VTDĐ). Hiện tượng sóng đầy nhưng không thể kết nối; ngắt quãng kết nối; tín hiệu thoại chập chờn... liên tục diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Thậm chí, phóng viên thực hiện cuộc gọi cho chính nhân viên mạng di động MobiFone thì câu trả lời lại là “số máy vừa gọi không đúng”...

 

Tất cả những hiện tượng kể trên một phần là hệ quả của việc gia tăng đột biến lượng thuê bao vừa qua. Và có thể nói, các DN VTDĐ thời gian qua đã “chăm sóc” các chiêu thức khuyến mãi để hút khách, hơn là chăm sóc đến chất lượng cuộc gọi. Chính vì thế, thị trường đang vận hành nghịch lý - trong khi hầu hết giá cả đều tăng thì riêng giá cước VT lại giảm... “kinh khủng” nhờ khuyến mãi.

 

S-Fone gây sốc bằng gói cước Forever Couple khi chỉ mất 1.490đ/ngày mà gọi, nhắn tin... vô tội vạ; VinaPhone “vừa bán vừa cho” khi áp dụng chiêu nhân đôi tài khoản. Rồi Viettel “bán 1 cho 5” (mua sim 69.000đ, được tặng thêm 30.000đ liên tiếp trong 6 tháng)...

 

Thoạt tiên, có vẻ như khách hàng được hưởng lợi. Song trong thực tế là “lợi bất cập hại” khi chính DN VT tạo ra sự không bình đẳng trong đối tượng khách hàng. Thuê bao trả sau-khách hàng truyền thống đã bị “phân biệt đối xử” về giá cước.

 

Nghiêm trọng hơn, tất cả khách hàng đều phải gánh chịu chất lượng cuộc gọi giảm sút. Việc liên tiếp thực hiện các chương trình KM kể trên đã tạo nên một thị trường VTDĐ hỗn loạn. Các DN đua nhau kê khai thuê bao ảo; khách hàng mất phương hướng khi chỉ có thể chọn mạng mà không được chọn chất lượng.

 

Thiếu định hướng

 

Rõ ràng việc các DN VN vừa hạ giá vừa hạ chất lượng là không thoả đáng. Song, đáng nói hơn là sự “bất nhất” của chính các DN VT và sự thiếu định hướng của cơ quan quản lý. Các DN VT từng than vãn “tốn hàng nghìn tỉ đồng để duy trì thuê bao ảo”; trong khi đó chính các DN lại chủ trương gia tăng số thuê bao này.

 

Bên cạnh đó, VinaPhone và MobiFone còn cho rằng có “nguy cơ cạn kho số vì thuê bao ảo” để xin cấp thêm 2 đầu số mới 093 và 094. Một chuyên gia phân tích, hiện VinaPhone có 5 triệu thuê bao, MobiFone có 4 triệu, vậy với đầu số 090 và 091 thì chưa thể nào “cạn kho số” được vì đó là kho số khổng lồ.

 

Thậm chí, chuyên gia này còn cho rằng việc có thêm đầu số mới chỉ là việc đáp ứng “nhu cầu số đẹp” cũng như “làm lợi” cho các đại lý bán số đẹp mà thôi.

 

Về phía cơ quan quản lý, sự thiếu định hướng không chỉ thể hiện ở sự thả nổi KM mà còn ở sự “lỏng lẻo” khi cấp thêm đầu số mới và chậm quản lý TBTT là một ví dụ. Các DN và chính Bộ BCVT thừa nhận sẽ rất khó khăn và tốn kém để thực hiện việc này vì con số này chiếm 70-80% thuê bao.

 

Nếu đúng như vậy, với lượng thuê bao trả trước, trong đó có thuê bao ảo ước đoán không dưới 7 triệu, thì khó khăn và tốn kém là... khó tính nổi.

 

Theo P.Anh - L.Minh

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm