Chấp nhận giấy phép con nếu hợp lý
Giấy phép con được coi là rào cản cho hoạt động kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp. Trưởng ban pháp chế Phòng thương mại Công nghiệp VN (VCCI) Trần Hữu Huỳnh cho hay từ nay đến cuối năm, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ rà soát lại toàn bộ lĩnh vực này.
Xin ông cho biết hiện VN có khoảng bao nhiêu giấy phép con?
Cuộc nghiên cứu của VCCI cho thấy từ năm 2004 đã có tới 290 loại giấy phép con. Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đã có công văn yêu cầu các bộ ngành liệt kê lại các loại giấy phép. Tới thời điểm này có hơn 300 loại.
Có thể chia giấy phép con làm 2 loại. Loại thứ nhất là giấy phép không nằm trong nghị định, tên gọi của nó rất đa dạng chứ không hiển hiện ra chữ giấy phép như chỉ thị, quy định, văn bản dưới luật. Loại này rất dễ phát hiện, chỉ cần các doanh nghiệp chịu khó phát hiện thì các tổ chức có thẩm quyền sẽ bỏ ngay, không áp dụng nữa.
Loại thứ hai nằm trong pháp lệnh, nghị định. Về mặt pháp lý thì không thể bỏ được. Chỉ có các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc ban hành các văn bản đó mới có thể ra quyết định loại bỏ.
VCCI sẽ làm gì để thuyết phục một cơ quan hủy các văn bản quyết định của chính họ?
Đây là vấn đề rất khó. Nếu cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội chứng minh được rằng không có công cụ quản lý nào thay thế giấy phép đó thì chúng ta phải tiếp nhận thôi.
Tuy nhiên, cần có một diễn đàn công khai về vấn đề này. Ở đó các doanh nghiệp, chuyên gia cùng thảo luận xem nếu không dùng giấy phép đó vẫn bảo đảm lợi ích của cộng đồng hay không.
Làm thế nào để giảm thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp?
Trước hết quá trình làm luật phải công khai, minh bạch để không phải ban hành thêm các thông tư, nghị định hướng dẫn sai luật. Thứ hai là phải tiến hành rà soát lại các loại giấy phép kinh doanh còn hiệu lực để xem các loại giấy phép đó còn cần thiết hay không trong điều kiện kinh doanh mới.
Đây là việc mà tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ làm ngay trong năm nay. Sau đó sẽ có kiến nghị trình Thủ tướng. Theo tôi số lượng giấy không quan trọng mà quan trọng là nó có hợp lý hay không.
Theo Báo Công Nghiệp