Chàng trai cả tuổi thơ mò cua bắt ốc nay có "Ngai vàng đất Việt" chục tỷ
Anh Lê Đức Nam, trú tại phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) đang là chủ nhân của siêu cây có tên “Ngai vàng Đất Việt” nức tiếng trong làng cây cảnh nghệ thuật.
Sinh năm 1976, Lê Đức Nam từ nhỏ đã có niềm đam mê cây cảnh. Cây cảnh đầu tiên anh sở hữu là năm 13 tuổi, được mua bằng tiền tiết kiệm từ đi nhặt phế liệu, nhịn ăn sáng, nuôi heo đất,... rồi để dành.
Tình yêu cây cảnh nhen nhóm trong Lê Đức Nam như vậy. Nhưng, điểm khác biệt lớn nhất với những người chơi cây khác là Lê Đức Nam được trời phú cho bàn tay tài hoa để tự mình hoàn thiện những tác phẩm để đời, thay vì bỏ bạc tỷ để sở hữu những tác phẩm đã hoàn thiện.
Siêu phẩm “Ngai vàng Đất Việt” gần 20 năm trước là một cây sanh chưa hoàn thiện, anh Nam lấy lại từ một nhà vườn ở Hà Nội. Với sự nhạy cảm, tinh tế, anh biết đây sẽ là một tác phẩm đỉnh cao trong tương lai.
Với những nghệ nhân làm cây, để có một tác phẩm hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ, kỳ, mỹ, văn” cần hàng chục năm để tạo thế, cắt giật, nuôi từng tay bông của cây cảnh,...
“Ngai vàng Đất Việt” được anh Lê Đức Nam kỳ công ký đá bộ bệ rễ vào từng viên đá để tạo sự hài hòa, cân đối. Ba thân chính có độ so le tạo thành chiều sâu cho người ngắm, càng nhìn lâu càng không thể rời mắt. Giới chơi cây gọi đó là “duyên ngầm” của cây.
Điều khó nhất của một nghệ nhân làm cây là sự hài hòa, cân đối của cây cảnh phải hoàn thiện ở các góc nhìn. Đó là lý do những người thẩm cây lâu năm không bao giờ hỏi, mặt chính của tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nằm ở mặt nào.
“Ngai vàng Việt Nam” là một trong số hiếm hoi những tác phẩm cây cảnh như thế. Ngắm tác phẩm này ở các góc độ khác nhau, đều nhận thấy sự biến hóa, cổ quái của cây.
Năm 2018, một người bạn của Lê Đức Nam “làm mối” để anh mua được một chiếc bể cổ từ trong Huế. Chiếc bể cổ có niên đại hàng chục năm, được làm thủ công. Chất liệu kết dính tạo làm nên chiếc chậu cổ này là một loại cốn (keo) đặc biệt, không giống như chậu bê tông đúc, đắp bằng xi măng như chậu hiện đại.
"Y phục xứng kỳ đức” - chiếc chậu cổ của những nghệ nhân Huế vừa khít với bộ bệ đế của cây “Ngai vàng đất Việt” do Lê Đức Nam uốn tỉa. Hai tác phẩm vừa hài hòa, vừa tôn nhau lên, tạo thành một sự hoàn mỹ mà chính anh cũng không thể ngờ.
Anh cho biết, nếu bị hoa mắt bởi giá trị vật chất, anh đã mất cây sanh “Ngai vàng” từ lâu, bởi rất nhiều người yêu cây bỏ thời gian, tiền bạc để đeo đuổi, săn đón xin được mua lại, nhưng anh chưa bao giờ có ý định bán.
Triển lãm sinh vật cảnh 2019 tại Thanh Hóa, siêu cây “Ngai vàng Đất Việt” của Lê Đức Nam đã chinh phục được nhiều người yêu cây của xứ Thanh - vùng đất sở hữu nhiều tác phẩm có tên tuổi trong làng cây cảnh Việt Nam. Có đại gia sẵn sàng bỏ nhiều tỷ để mua lại, nhưng siêu phẩm “Ngai vàng” vẫn không suy chuyển, vẫn bề thế trong khuôn viên làng ngôi nhà cổ tại làng Đồng Mai của Lê Đức Nam.
“Tôi chưa bao giờ có ý định bán cây nên cây đến giờ vẫn chưa có một mức giá nhất định. Nhiều người nói, cây của tôi giá cả triệu đô, tôi thấy vui vì đấy là ý kiến khách quan của giới chơi cây thẩm định một tác phẩm nghệ thuật do chính người Việt Nam mình làm ra” - Lê Đức Nam cho biết.
Theo Thái Bình
VietnamNet