1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chấn chỉnh an toàn điều hành bay sau nhiều "lình xình"

(Dân trí) - Nhằm chấn chỉnh các vụ việc do chủ quan, đánh nhau trong khi chỉ dẫn bay liếp tiếp xảy ra thời gian gần đây, Cục Hàng không Việt Nam vừa ra văn bản chỉ thị yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ tăng cường đảm bảo an toàn trong điều hành bay.

Liên tiếp mắc “lỗi”

Vụ việc ồn ào gần đây nhất là 2 kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM (kíp trưởng và kíp viên) có mâu thuẫn và đã gây gổ đánh nhau trong khi đang điều hành bay (hôm 16/1), khiến nhiều máy bay (có cả chuyên cơ) lúc đó buộc phải bay trong trạng thái không có sự chỉ dẫn, theo dõi và giám sát của hệ thống kiểm soát không lưu.

Theo xác minh của Thanh tra Cục Hàng không, kíp trực trước đó đã ra huấn lệnh cho một chuyến bay, nhưng khi phi công đang thực hiện điều khiển máy bay theo sự hướng dẫn này thì kíp viên Trần Xuân Vinh do không chú ý nên lại đưa ra 1 huấn lệnh khác trùng với huấn lệnh trước đó. Nhận thấy có sự bất thường nên phi công hỏi lại đài kiểm soát không lưu. Sau đó, kíp trưởng của kíp trực đã lên tiếng nhắc nhở kíp viên Trần Xuân Vinh nhưng bị anh này cãi lại và xông vào đánh. Được biết, kíp viên Trần Xuân Vinh còn đập mạnh xuống bàn làm vỡ con chuột điều khiển máy tính.

Vụ việc này đã được Công ty Quản lý Bay miền Nam thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam giải quyết bằng cách kỷ luật khiển trách và chuyển công tác với mức lương thấp hơn đối với kíp viên Trần Xuân Vinh. Tuy nhiên, sự việc chưa kết thúc vì kíp viên này không đồng ý với hình thức xử phạt đó và gửi đơn thư đi nhiều nơi.
 
Chấn chỉnh an toàn điều hành bay sau nhiều lình xình
Đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM

Một vụ việc nghiêm trọng khác xảy ra vào tháng 10/2011 khi trực kiểm soát không lưu phát nhầm lệnh hạ cánh đối với 1 máy bay của hãng hàng không China Airlines tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Vào thời điểm đó máy bay còn cách mặt đất 10km và đang chuẩn bị cho việc hạ cánh. Lúc này, đáng lẽ kiểm soát viên không lưu tại sân bay phải phát lệnh hạ cánh trên đường băng 25 phía bên phải thì lại nhầm là 25 trái - nơi có xe ô tô chuyên dụng và các công nhân đang làm nhiệm vụ cạo vệt cao su. Nguyên nhân của sự việc sau đó được xác định là do kiểm soát viên không lưu tham gia điều hành bay đã không thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định về điều hành bay. Việc giao/nhận vị trí điều hành trong ca trực giữa các kiểm soát viên không lưu không đầy đủ các thông tin, không đúng quy định.

Cũng vào cuối năm 2011, nhân viên kiểm soát không lưu Trung tâm Kiểm soát không lưu Đường dài - Tiếp cận HCM (AACC-HCM) đã không phát hiện được xu hướng hội tụ của 2 máy bay ngược chiều trên khu vực Buôn Ma Thuột. Khi đó, một chiếc máy bay Airbus A320 của Vietnam Airlines vừa cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Cát Bi (Hải Phòng) lại được chỉ dẫn bay cùng độ cao với một máy bay ngược chiều của Jetstar Pacific đang về sân bay vào thời điểm đó.

Rất may phi công của cả 2 máy bay nói trên đã kịp thời thực hiện theo chỉ dẫn của hệ thống cảnh báo tự động trên máy bay để tránh được tình huống có thể dẫn đến va chạm.

Thiếu kỷ luật sẽ bị "trảm"
 
Sau hàng loạt vụ việc nói trên, Cục Hàng không Việt Nam có chỉ thị yêu cầu tăng cường đảm bảo an toàn trong cung cấp dịch vụ điều hành bay.

Chỉ thị này nhấn mạnh đến việc phải tăng cường chất lượng của dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay liên quan và không để ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của ngành hàng không Việt Nam.

Đối với Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Cục Hàng không yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đơn vị thành viên khẩn trương rà soát, kiểm tra dây chuyền cung cấp dịch vụ điều hành bay và tổ chức, thực hiện ngay các biện pháp tăng cường và đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay, tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về cung cấp dịch vụ điều hành bay.

Cùng với đó, đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay cần căng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ kiểm soát viên không lưu; có các biện pháp kịp thời và thiết thực để giữ gìn và nâng cao đoàn kết nội bộ trong đội ngũ trực tiếp tham gia dây chuyền cung cấp dịch vụ điều hành bay.

Đặc biệt, Cục trưởng Cục Hàng không chỉ đạo phải kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện sai trái về ý thức tổ chức ký luật; kiên quyết đưa ra khỏi dây chuyền cung cấp dịch vụ điều hành bay các đối tượng không đảm bảo yêu cầu về ý thức tổ chức kỷ luật và chất lượng công tác hoặc có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, phải khẩn trương hoàn thiện và đảm bảo tổ chức thực hiện “Văn hóa an toàn” trong nội bộ doanh nghiệp; yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan tuân thủ nghiêm các quy định về báo cáo bắt buộc đối với sự cố an toàn bảo đảm hoạt động bay; đồng thời khuyến khích và đề cao vai trò của việc báo cáo tự nguyện đối với các sự cố trong công tác điều hành bay.

Các Cảng vụ Hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam:Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn bảo đảm hoạt động bay; Kịp thời phát hiện các sự việc, sự cố uy hiếp hoặc tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn bảo đảm hoạt động bay và báo cáo, đề xuất phương án xử lý.

Quỳnh Anh