1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chậm trễ 4 năm ở dự án cầu Nhật Tân chỉ là cá biệt

(Dân trí) - Đại diện Nhật Bản cho rằng tình trạng chậm trễ tiến độ tới hơn 4 năm như ở cầu Nhật Tân sẽ không xảy ra với các dự án khác, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này.

Chậm trễ 4 năm ở dự án cầu Nhật Tân chỉ là cá biệt
Ông Akira Shimizu, Phó trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam - Ảnh: BD.

Nhật Bản sẽ không thu hẹp cung vốn ODA cho Việt Nam

Trao đổi với PV Dân trí về sự cố chậm tiến độ dự án cầu Nhật Tân nhân dịp Hội thảo Quốc tế về Hợp tác phát triển Việt Nam - Hàn Quốc, ông Akira Shimizu, Phó trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam thừa nhận, đây là một tình thế rất khó khăn của phía đối tác Nhật Bản.

Theo ông Akira Shimizu, một trong những lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng chậm trễ của dự án là khó khăn trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng. “Đối với những chương trình, dự án lớn, giải phóng mặt bằng luôn là một thách thức rất lớn ở Việt Nam”, đại diện JICA nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông Shimizu cũng cho rằng, tình trạng chậm trễ như đối với cầu Nhật Tân sẽ không xảy ra ở các dự án khác, do bản thân cầu Nhật Tân chiếm một diện tích cần giải phóng mặt bằng quá lớn.

“Tôi biết Chính phủ Việt Nam cũng đã phải rất chật vật và gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này”, ông Shimizu chia sẻ. 

Ngoài vấn đề trên, hoạt động thi công vẫn được đánh giá cao và dự kiến sẽ hoàn tất trong thời gian sớm. “Chúng ta sẽ thấy sự thay đổi hàng ngày và tôi hy vọng trong thời gian không xa vấn đề này sẽ có thể được giải quyết và công trình có thể sớm được hoàn thiện”.

Về phía Chính phủ Việt Nam, ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, cầu Nhật Tân là một dự án nhận vốn ODA rất lớn từ phía Nhật Bản. 

Ông Khang nói, “nhìn chung, công việc đền bù giải phóng mặt bằng ở bất cứ dự án nào trên địa bàn Hà Nội cũng khó khăn vô cùng. Riêng dự án cầu Nhật Tân không thể nói là không hiệu quả mà chỉ là đang gặp khó khăn”.

Đáp lại, đại diện phía Nhật Bản khẳng định, trong tương lai, xu hướng cung ứng vốn ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam sẽ không thay đổi, vì Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng cả ở trong bình diện khu vực châu Á cũng như trên bình diện quốc tế.

Ông Shimizu nhấn mạnh, đầu tư vào Việt Nam, về cơ bản, Nhật Bản đã đạt được những mục tiêu đề ra. Ông cũng thêm rằng, ODA trên thực tế chỉ là một công cụ để nước này thiết lập hoặc tăng cương mối quan hệ với các quốc gia khác.

Vốn ODA chỉ là chất xúc tác, không là tất cả

Bàn về vai trò của vốn ODA trong phát triển kinh tế Việt Nam, các diễn giả tham dự hội thảo đều nhìn nhận, đây là một nguồn lực quan trọng và có vai trò lớn trong suốt 20 năm qua, kể từ khi Việt Nam nhận tài trợ lần đầu tiên của quốc tế từ năm 1993.

Chính phủ Việt Nam trong tương lại vẫn sẽ cố gắng huy động càng nhiều càng tốt nguồn vốn tài trợ - Cựu Vụ trưởng Vụ quan hệ kinh tế đối ngoại Hồ Quang Minh cho biết.

Tuy nhiên, xu hướng của Việt Nam thời gian tới, Chính phủ nhấn mạnh vai trò của ODA trong chuyển giao công nghệ cũng như nâng cao trình độ kỹ thuật ở Việt Nam hơn là con số tuyệt đối.

“ODA không phải là tất cả mà chỉ là chất xúc tác để có thể huy động nhiều hơn vốn FDI và các nguồn vốn khác”, ông Minh lưu ý.

Trong khi đó, ông Hoàng Viết Khang khẳng định, “Chính phủ Việt Nam luôn cam kết sử dụng từng đồng vốn tài trợ ODA một cách hiệu quả nhất”. Mục tiêu này luôn được Chính phủ Việt Nam kiên định thực hiện và trên thực tế và luôn được đánh giá là nước sử dụng thành công nguồn lực viện trợ, bởi nếu không sẽ trở thành một nền kinh tế nợ nần.

Góp tham luận tại hội thảo sáng nay, một đại diện từ Hàn Quốc, ông Young-Seok Kim, Trưởng đại diện Ngân hàng Exim Hàn Quốc tại Việt Nam góp ý, để thành công hơn trong giải ngân ODA, việt Nam cần tổ chức được các ban quản lý dự án, nhất là chính quyền địa phương. 

Theo đó, việc thu hút được các dự án ODA là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là kiểm soát được nguồn lực tài chính và kiểm soát được rủi ro trong sử dụng nguồn lực đó. Do vậy, nếu không kiểm soát được ngay từ đầu thì các dự án không thể được thực hiện.

Để các dự án được vận hành thuận lợi, Chính phủ Việt Nam cần thiết lập 1 quỹ vốn đối ứng cho các dự án ODA, ông Kim nói.

Đồng ý với ý kiến trên, phía Nhật Bản bổ sung thêm, cùng với đó, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa sự kết hợp liên ngành để rút ngắn thời gian phê duyệt và triển khai dự án, nhất là các dự án có vốn ODA.

Cầu Nhật Tân được coi là dự án hữu nghị Việt - Nhật theo dự kiến ban đầu được hoàn thành vào tháng 10/2010, thời điểm Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Tuy nhiên, đến nay, thời hạn khánh thành đã được dời sang tháng 12/2014 do chậm trễ trong hoạt động giải phóng mặt bằng.

Trong tổng trị giá 80 tỷ Yên để xây dựng Cầu Nhật Tân tại Hà Nội thì Nhật Bản đã cung ứng cho Việt Nam tới 54,1 tỷ Yên vốn vay ưu đãi.

Bích Diệp