Chậm lập quy hoạch, Hà Nội xin nhận lỗi với Thủ tướng và Chính phủ
(Dân trí) - Cho rằng việc lập quy hoạch còn chậm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh xin nhận lỗi với Thủ tướng và Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030 diễn ra sáng 20/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tháng 3/2022, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhưng đến nay, Hà Nội mới xong bước chấm thầu để lập quy hoạch.
Ông Thanh thừa nhận, đây là việc khá chậm, Hà Nội xin nhận lỗi với Thủ tướng và Chính phủ.
Ông cũng lý giải nguyên nhân việc chậm lập quy hoạch trên là do cả chủ quan và khách quan. Như đã báo cáo, các địa phương còn rất lúng túng trong câu chuyện nguồn. Nguồn đầu tư công quy trình quá lâu. Việc làm quy hoạch đầu tư công quá lâu, nhưng nếu làm nguồn vốn sự nghiệp thì lại không được phép. Ngay như Hà Nội cũng lúng túng mất 6-7 tháng về vấn đề nguồn.
Cũng theo ông Thanh, đợt này, Hà Nội quyết tâm dứt điểm cho kịp. Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo. Hà Nội phấn đấu quyết tâm tháng 10 sẽ xong.
Về kiến nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, với quy trình hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập quy hoạch có 6 luật: Luật Quy hoạch 2017, Luật Đô thị 2009 và Luật Xây dựng 2014, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách. Do đó, có mấy vấn đề chính.
Một là khái niệm nội hàm, định nghĩa trong các luật này khác nhau. Luật Dự án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch… rất lủng củng. "Đây là về mặt khái niệm, chúng ta triển khai hằng ngày đã khó", ông nói.
Thứ hai là quy trình, thủ tục, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày là quá dài.
Thứ ba là câu chuyện áp dụng Luật Đầu tư công để chi tiêu đấu thầu. Đầu tiên, sau khi Thủ tướng phê duyệt kế hoạch là đấu thầu để lựa chọn nhà tư vấn, mà quy trình đấu thầu mất vài tháng. Bên cạnh đó, 5 thực tế của đơn vị tư vấn báo cáo theo quy định của luật thì cả nước cũng chỉ có một vài đơn vị đủ khả năng làm tư vấn. Việc đồng loạt triển khai trên 63 tỉnh, thành phố nên khối lượng việc rất lớn, rồi quy định một chuyên gia được làm bao nhiêu cái dự án cũng ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công tác quy hoạch.
Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị, đây cũng là công việc hành chính, mong Thủ tướng và Chính phủ ra Nghị quyết sửa một số điều để thời gian triển khai rút ngắn lại. Những kiến nghị của Hà Nội rất cụ thể, đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình bày mấy vấn đề liên quan đến chất lượng cũng như tiến độ.
Sau phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hà Nội sớm triển khai việc lập quy hoạch. Nếu có khó khăn ở đâu thì Hà Nội có thể tổ chức mời để các bộ ngành đến cùng Hà Nội giải quyết vướng mắc.
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay nhiệm vụ của chúng ta chưa đấu thầu được, chưa triển khai được thì chắc chắn theo Nghị quyết của Quốc hội là bị chậm rồi. Nghị quyết 61 của Quốc hội đã nói là, các trường hợp liên quan đến dự án, liên quan đến quy hoạch thì TP Hà Nội có đủ thẩm quyền để chỉ định cơ quan thực hiện tham gia đấu thầu.
Ngày 7/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 313 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư. Tạo sự đột phát về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nội dung quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ bao gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; yêu cầu về phương án phát triển các ngành quan trọng; yêu cầu về phát triển trong điều kiện kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng nhằm phát huy vai trò động lực phát triển của Thủ đô trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.