1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chậm 1 năm, mất 54 triệu USD

Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/5/2005 bằng quyết định 108/2005/QĐ-TTg.

Vừa qua tại TPHCM, Bộ Xây dựng đã chủ trì hội nghị phổ biến quy hoạch này. Đây là quy hoạch mới nhất đã được điều chỉnh từ những dự án quy hoạch trước đó và được các giới trong ngành đánh giá là "thoáng", thích nghi với môi trường đầu tư và phát triển ngành xi măng hiện nay.

Quyết định ghi rõ: mục tiêu phát triển của ngành đến 2010 và định hướng đến năm 2020 là đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng xi măng trong nước cả về số lượng và chủng loại, có thể xuất khẩu khi có điều kiện. Đưa ngành xi măng Việt Nam thành một ngành công nghiệp mạnh, có công nghệ hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế trong tiến trình hội nhập...

Cho đến nay, các dự án đầu tư nhà máy xi măng đều bị chậm tiến độ, làm mất cân đối trong kế hoạch và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Tham luận của công ty xi măng Hà Tiên 1 nêu một số ý kiến tại hội nghị và đã dẫn một trường hợp - cứ 1 năm chậm trễ mất gần 54 triệu USD.

Số là, một nhà máy xi măng với vốn đầu tư 308 triệu USD, công suất 2 triệu tấn/năm, trong đó vốn vay thường chiếm 85% (vay 261,8 triệu USD). Lãi suất 9%/năm, tức 23,562 triệu USD; chi phí quản lý dự án chiếm 1%/năm/tổng mức, tức 3,08 triệu USD; các chi phí bổ sung do phải nhập 1,6 triệu tấn clinker là 27,20 triệu USD.

Như vậy, tổng ảnh hưởng tiềm năng do chậm dự án 1 năm là 53,842 triệu USD!

Chậm do đâu? Ông Nguyễn Ngọc Anh, giám đốc công ty xi măng Hà Tiên 1 cho rằng, "Không thể giữ được tiến độ, mặc dù chúng tôi đã làm hết sức mình, điểm chính là do sự hỗ trợ của các bộ, ngành chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, chậm trễ trong việc cấp các loại giấy phép; các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và đấu thầu không phù hợp thực tế, lại hay thay đổi. Công tác đền bù, giải phóng đất đai gặp rất nhiều khó khăn. Năng lực thực hiện quản lý dự án ở cơ sở yếu kém và sợ trách nhiệm…".

Cụ thể, dự án nhà máy xi măng Bình Phước đã 2 năm 3 tháng  vẫn chưa có giấy phép khai thác mỏ. Trạm nghiền ở Phú Hữu, Q.9 cũng chưa có giấy phép, chưa giải toả hết, chưa có đường đi vào khu này…

Hiện nay hàng năm Việt Nam phải nhập 4 - 4,5 triệu tấn clinker và dự báo năm 2005 sẽ tiêu thụ 29 triệu tấn. Trong 5 năm tới, dự báo mức tiêu thụ xi măng cả nước sẽ tăng lên 46,8 triệu tấn. Nếu 21 nhà máy đang xây dựng không đẩy nhanh tiến độ sẽ không đủ xi măng đáp ứng nhu cầu thị trường, mà phải nhập clinker như hiện nay.

Bước vào hội nhập, mình chậm trễ, có đủ sức cạnh tranh? Giá xi măng có còn được bình ổn như hiện nay?

Theo SGTT