CEO Việt long đong: Sếp tài ba xoay vòng qua tay đại gia

Hàng loạt sếp nổi tiếng đến rồi đi, đi rồi lại quay về, qua lại giữa các DN... dường như họ bị hút vào vòng xoáy những cuộc chơi của các ông chủ, đại gia chi phối DN.

Những gương mặt quen thuộc

Giữa tháng 5/2014, Eximbank bổ nhiệm ông Phạm Hữu Phú - Phó HĐQT kiêm nhiệm chức danh Quyền Tổng giám đốc thay cho ông Nguyễn Quốc Hương, người chỉ tại vị được 4 tháng.

Giới đầu tư cũng như cổ đông của Eximbank không lạ gì ông Phạm Hữu Phú và biết rõ đó là sự trở về tất yếu của ông. Trước đó, cuối tháng 4, ĐHCĐ Eximbank, ông Phú đã được rút về HĐQT nhằm tăng cường nhân lực quản trị sau khi được "biệt phái" 2 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT ở Sacombank trong bối cảnh Eximbank nắm tỷ lệ cổ phần lớn ở Sacombank.

Trong lần trở về này, không chỉ nắm giữ vị trí cũ là phó chủ tịch HĐQT, ông Phú còn được giao thêm trọng trách trực tiếp lèo lái con tàu Eximbank. Việc ông Phú trở về được xem là một bước đi đúng đắn sau khi "mặt trận" Sacombank đã hoạt động ổn định trở lại.

Trong vụ "giải cứu" Thủy sản Bình An (Bianfishco) hồi cuối 2012 và 2013, giới đầu tư thật sự bất ngờ với cái tên Trần Văn Trí. Theo đề án tái cơ cấu Bianfishco, ông Trần Văn Trí - chồng nữ đại gia Diệu Hiền được cử làm TGĐ trong khi DN không còn của gia đình đại gia Diệu Hiền mà do NH chi phối. Bên cạnh ông Trí, người ta thấy những gương mặt khá quen thuộc trong dàn lãnh đạo cao cấp trong nhóm DN của đại gia Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) là ông Nguyễn Văn Lê (Tổng giám đốc SHB) và ông Lê Minh Thắng...

Chỉ khoảng 3 năm, từ một cái tên không mấy ai biết tới, ông Trí nổi tiếng như một người hùng giúp hồi sinh cả chục công ty thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi cảnh nợ nần, nguy cơ phá sản.

Hàng loạt sếp nổi tiếng đến rồi đi, đi rồi lại quay về, qua lại giữa các DN

Hàng loạt sếp nổi tiếng đến rồi đi, đi rồi lại quay về, qua lại giữa các DN

Ông Nguyễn Văn Lê, được biết đến là một CEO rất giỏi của bầu Hiển với kinh nghiệm dày dặn ở nhiều đơn vị. Vị sếp Việt sinh năm 1973 này có hơn 15 năm giữ chức TGĐ Ngân hàng SHB và hiện tại nắm giữ nhiều chức vụ như: chủ tịch Chứng khoán SHB, phó chủ tịch Bảo hiểm SHB-Vinacomin, thành viên Bianfishco, thành viên Quản lý quỹ SH...

Một gương mặt cũng rất quen thuộc với giới tài chính là ông Kiều Hữu Dũng gần đây cũng được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT Sacombank thay cho ông Phạm Hữu Phú. Ông Dũng không nắm giữ cổ phiếu Sacombank và trước đó đã là phó chủ tịch, thành viên HĐQT độc tại NH này từ giữa năm 2012 khi mà cơ cấu Sacombank bị thay đổi mạnh mẽ với sự tham gia của đại diện Eximbank và gia đình đại gia Trầm Bê - ông chủ SouthernBank.

Rất nhiều CEO Việt giỏi trong thời kỳ khó khăn vừa qua đã phải quay cuồng với công cuộc tái cấu trúc của các đại gia như: ông Nguyễn Văn Sự (TGĐ Hoàng Anh Gia Lai); Dương Thị Mai Hoa; Bùi Quang Ngọc (FPT)...

'Tướng đánh trận'

Sau 2 năm được điều đến Sacombank, ông Phạm Hữu Phú được đánh giá đã thành công trong bối cảnh chuyển giao quyền lực.

Trả lời báo chí về việc rút khỏi Sacombank để về với Eximbank, ông Phú từng cho biết, ông chỉ là một người lính và việc rút về là một việc bình thường.

Ông Kiều Hữu Dũng được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT Sacombank thay cho ông Phạm Hữu Phú.

Ông Kiều Hữu Dũng được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT Sacombank thay cho ông Phạm Hữu Phú.

Vụ giải cứu Bianfishco của ông Trần Văn Trí và các cộng sự của bầu Hiển là ông Lê và ông Thắng cũng được đánh giá là thành công. Sau hơn một năm, DN này đã hồi phục gần như hoàn toàn công việc sản xuất và các thị trường xuất khẩu.

Đánh giá về những thành công có được trong khá nhiều vụ tái cơ cấu, sáp nhập... đã thực hiện, bầu Hiển cho biết, tất cả là nhờ con người, chứ không phải tiền. Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB và Tập đoàn T&T đã rất nổi tiếng với vụ giải cứu Bianfishco và sáp nhập Habubank. Và điều mà ông bầu này tâm đắc là đã chọn chính xác và "phái" những "anh em" quản lý có năng lực nhất để tiếp quản các đơn vị trong diện khó khăn.

CEO Nguyễn Văn Sự, trong khi đó, như một người bạn của bầu Đức, gắn bó với Hoàng Anh Gia Lai với từng bước thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh. CEO Bùi Quang Ngọc ở FPT lại là người đồng hành cùng với ông Trương Gia Bình, là người đồng sáng lập và giờ đây trực tiếp quản lý DN vượt khó.

Tân chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng giữ vai trò "ông chủ" nhưng trên thực tế là một thành viên HĐQT độc lập. Ông được đánh giá là một lựa chọn phù hợp trong giai đoạn mà Sacombank có nhiều xáo trộn.

Có thể thấy, hàng loạt các CEO nổi tiếng trong vài năm gần đây bị hút vào vòng xoáy tái cơ cấu doanh nghiệp của các đại gia. Người giỏi bị điều chuyển khắp nơi, thậm chí đảo lộn cuộc sống gia đình, để giải cứu các DN gặp khó khăn, cứu đồng vốn của các ông chủ. Người không con hợp cũng thay đổi liên tục.

Việc thay đổi hay điều chuyển CEO đến các "mặt trận" khác nhau cũng là điều bình thường trong quá trình phát triển của các tập đoàn. Khi mà kết quả kinh doanh của một đơn vị không như mong muốn hay đứng trước một chiến lược phát triển mới thì việc thay thế là cần thiết. Ở chiều ngược lại, những CEO Việt năng động, là "sao sáng" luôn được lựa chọn để giải quyết trong những trận đánh khó khăn nhất.

Trong bối cảnh thị trường chung khá xấu như trong vài năm gần đây, những ông chủ DN hơn bao giờ hết rất cần những gương mặt tốt nhất để thay đổi cục diện. Tất nhiên, số lượng "sao" trên thực tế là rất ít nên đã xảy ra tình trạng giành giật các CEO tốt cũng như tình trạng "chạy vòng quanh" của sếp Việt.

Gần đây, không ít các ông chủ cũng đã tự phải đứng ra gánh vác công việc trực tiếp lèo lái công việc sản xuất kinh doanh... do không tìm được CEO "vừa ý".

Theo Mạnh Hà
VEF
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”