CEO TPBank: Chúng ta đã vượt qua nhiều ngân hàng có tuổi đời hơn 20 năm

(Dân trí) - Thừa nhận mục tiêu lợi nhuận 2021 nới lên 5.800 tỷ đồng là "khá tham vọng" song ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết: "Chúng ta đã vượt qua nhiều ngân hàng có tuổi đời hơn 20 năm".

Sáng nay 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - mã: TPB) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, cho biết năm 2021, ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp và người dân.

Năm nay, ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 32% so với 2020. Trong quý I, ngân hàng báo lãi 1.422 tỷ đồng, tăng 41% với cùng kỳ năm trước.

Mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2021 đạt 250.000 tỷ đồng, tăng 21%; vốn điều lệ tăng 9% lên 11.717 tỷ đồng; huy động vốn tăng 20% đạt 221.893 tỷ; dư nợ cho vay tăng 25% đạt 165. 434 tỷ đồng so với năm 2020.

CEO TPBank: Chúng ta đã vượt qua nhiều ngân hàng có tuổi đời hơn 20 năm - 1

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, trấn an cổ đông về mục tiêu lợi nhuận mới điều chỉnh (Ảnh: N.H).

Tại cuộc họp sáng nay, cổ đông đặt câu hỏi về con số mục tiêu lợi nhuận 2021 vì sao được điều chỉnh lên 5.800 tỷ đồng (tăng thêm 300 tỷ đồng so với tài liệu được công bố hồi đầu tháng 4), ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank thừa nhận là "thách thức".

Ông lý giải: Căn cứ tình hình thực tế kết quả kinh doanh quý I/2021, chúng tôi đã nâng chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Quý I là quý có thời gian nghỉ Tết, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ít trong tháng 2 nhưng chúng ta có tăng trưởng tín dụng gần 5% trong quý I và đến nay tăng khoảng 7%.

CEO TPBank chia sẻ, dư nợ ngân hàng đang tăng trưởng tốt vào các ngành an toàn. Năm 2020, ngân hàng có tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhưng năm nay sẽ không tăng nhiều và có thể giảm.

Đối với các lĩnh vực cho vay, ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên cho vay, ngân hàng đẩy mạnh các ngành lĩnh vực cho vay mua nhà, cho vay mua xe, cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo.

Ông Hưng hào hứng nói: "TPBank đã trở thành ngân hàng trung bình lớn trong vòng 8 năm, từ một ngân hàng gần bé nhất hệ thống. Chúng ta đã vượt qua nhiều ngân hàng có tuổi đời hơn 20 năm. Tuy nhiên, với số lượng khách hàng hiện nay, hơn 4 triệu khách hàng, đa số là khách hàng cá nhân, so với toàn ngành vẫn còn khá thấp".

Do đó, ngân hàng vẫn phải nỗ lực để làm sao mở rộng thị phần. "Khi dịch vụ tốt hơn, trải nghiệm tốt hơn thì chúng ta sẽ thu hút thêm khách hàng, mở rộng thị phần", ông Hưng.

CEO TPBank: Chúng ta đã vượt qua nhiều ngân hàng có tuổi đời hơn 20 năm - 2
Ông Đỗ Minh Phú: Mục tiêu lợi nhuận năm 2021 của TPBank là 5.800 tỷ đồng (ảnh: N.H).

Tiếp lời CEO TPBank, ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT, tự tin nói: "Chúng tôi không so sánh với ngân hàng ở Việt Nam mà chúng tôi so sánh với tầm thế giới. Ở Việt Nam, nếu TPBank là ngân hàng số thứ 2 thì không ai là ngân hàng số thứ nhất cả!".

Chia sẻ thêm, ông  Nguyễn Hưng cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2020 của TPBank đạt 4.389 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019. Trong đó hoạt động đầu tư, kinh doanh ngoại tệ và vàng năm 2020 của ngân hàng mang lại kết quả tốt.

Trong năm 2020, giá vàng SJC đã tăng 30% đạt mức cao nhất từ trước đến nay, ngân hàng đã tận dụng được hầu hết các đợt sóng giá vàng, thu được lợi nhuận đáng kể.

Về phương án tăng vốn điều lệ, ông Đỗ Minh Phú cho biết, ngân hàng sẽ tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Số cổ phiếu phát hành là tối đa 100 triệu cổ phiếu, tương đương 9,33% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán; Số lượng chào bán dưới 100 nhà đầu tư.