CEO ngân hàng nói gì về năm 2012?

Năm 2012 được nhận định vẫn sẽ là một năm khó khăn đối với ngành ngân hàng do đầu ra tiếp tục còn hạn chế trong khi nguồn vốn đầu vào chưa được khơi thông như trước đây.

Năm 2011 được xem là một năm khó khăn chung, đặc biệt đối với lĩnh vực ngân hàng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng đã thừa nhận, để hoàn thành được kế hoạch kinh doanh đã đề ra thì đó là cả một quá trình “vật lộn”.
 

Năm 2012, với chủ trương tiếp tục tái cơ cấu ngành ngân hàng cùng với những nút thắt như: Thanh khoản, nợ xấu, lãi suất... lãnh đạo của hầu hết các ngân hàng chia sẻ năm nay sẽ tiếp tục là một năm kinh doanh không hề dễ dàng. Ghi nhận của chúng tôi với lãnh đạo một số ngân hàng.


Bà Bùi Thị Mai - Tổng giám đốc ngân hàng Habubank

Năm 2011 là một năm khó khăn không chỉ của riêng Habubank, ngành ngân hàng và cũng không chỉ của riêng nền kinh tế Việt Nam.

 
Để thực hiện chính sách này của Chính phủ, hệ thống ngân hàng trong nước buộc phải giảm cho vay, đặc biệt siết chặt cho vay phi sản xuất. Đây chính là một khó khăn lớn của các ngân hàng trong năm 2011. Bởi vì, giảm cho vay cũng có nghĩa là phải chấp nhận giảm lợi nhuận vì hiện nay nguồn thu chính của các ngân hàng là từ cho vay tín dụng.
 
Đầu ra thì khó khăn như vậy, trong khi nguồn vốn đầu vào của các ngân hàng bị hạn chế hơn rất nhiều do người dân rút tiền gửi ra khỏi ngân hàng do suy giảm lòng tin vào hệ thống và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ.
 
Trong suốt năm qua, các ngân hàng đã phải cùng chia sẻ khó khăn tài chính với khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất không tiêu thụ được sản phẩm ở các thị trường trong và ngoài nước.
 
Năm 2012 được nhận định vẫn sẽ là một năm khó khăn đối với ngành ngân hàng do đầu ra tiếp tục còn hạn chế trong khi nguồn vốn đầu vào chưa được khơi thông như trước đây. Do tình hình của các nền kinh tế lớn trên thế giới còn nhiều u ám, diễn biến khó lường nên các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường. Khó khăn của khối doanh nghiệp tiếp tục trở thành khó khăn cho ngân hàng vì khả năng thu hồi vốn chậm.
 
Ông Phạm Linh - Phó TGĐ Ngân hàng Phương Đông
 
Năm 2011 là một năm tốt đẹp đối với ngân hàng Phương Đông, các chỉ số kinh doanh đều đạt được kế hoạch đề ra của HĐQT. Đặc biệt, năm 2011 cũng là năm đánh dấu sự cộng tác sâu hơn của đối tác BNP Paribas - Pháp (đang nắm giữ 20% cổ phần) vào hoạt động của ngân hàng Phương Đông. Ngoài việc hỗ trợ về vốn BNP Paribas còn giúp ngân hàng Phương Đông có sự cải cách mạnh mẽ về bộ máy nhân sự, quản trị, marketing... giúp chúng tôi tiến nhanh hơn đến mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.
 
Năm 2012 theo chúng tôi đánh giá sẽ là một năm không đơn giản và không nhẹ nhàng đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt là vấn đề về vốn vẫn tiếp tục là vấn đề khó khăn, do đó doanh nghiệp phải chủ động được kế hoạch huy động vốn một cách đa dạng, không nên phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay từ các ngân hàng.
 
Tôi lấy ví dụ đơn cử, một số doanh nghiệp thủy sản đã biết cách tận dụng vốn từ nhiều nguồn bên cạnh vốn ngân hàng tài trợ bằng cách mua nợ đầu vào của nhà cung cấp trong vòng 1 đến 2 tuần, đầu ra thì họ đẩy nhanh tiến độ xuất hàng, hoàn thiện ngay bộ chứng từ xuất khẩu và thực hiện chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu để huy động vốn từ ngân hàng thật ngắn hạn, giúp đẩy nhanh vòng quay vốn lưu động, giảm thiểu áp lực, chi phí tài chính trong kinh doanh, phát huy tốt đa hiệu quả nguồn vốn tự có. Chính vì vậy, ngay cả ở những giai đoạn lãi suất tăng cao, các doanh nghiệp này vẫn “sống khỏe” vì biết cách quản lý dòng tiền kinh doanh hiệu quả.
 
Bà Nguyễn Thu Hà – Phó TGĐ Ngân hàng Vietcombank
 
Năm 2012 được Vietcombank nhận định là năm nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển ổn định tình hình, củng cố nội lực, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn 2011 – 2020. Năm 2012 cũng là năm Việt Nam tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế trong đó một trong ba trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
 
Trên cơ sở phân tích môi trường kinh doanh, bám sát định hướng điều hành của Chính phủ và NHNN, năm 2012, Vietcombank sẽ chủ động tái cơ cấu Vietcombank trên cơ sở rà soát, củng cố và hoàn thiện các mặt hoạt động; tập trung hoàn thiện Chiến lược 2011 – 2020 và tổ chức thực hiện; Phối hợp với đối tác chiến lược Mizuho nhằm tạo ra những bước đột phá trong quản trị và kinh doanh theo phương châm “Đổi mới - Chuẩn mực – An toàn - Hiệu quả”.
 
Với định hướng hoạt động nêu trên, năm 2012, Vietcombank đặt mục tiêu kiểm soát mức tăng từ 15 – 17% đối với dư nợ cho vay khách hàng và phấn đấu đạt mức tăng từ 18 - 20% chỉ tiêu huy động vốn từ nền kinh tế, lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 6.500 tỷ đồng, ROE đạt mức 15% và ROA đạt 1,22%, nợ xấu kiểm soát dưới mức 2,8%.

Theo Khánh Linh
TTVN