Cây tre “nở hoa“ 200 triệu USD
Cây tre chung thủy nơi bìa làng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ đến nay vươn ra 120 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình 200 triệu USD/năm.
Theo thống kê, hiện có khoảng 30 doanh nghiệp chế biến, sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu ở bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình và Phú Thọ. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu cho nhóm các mặt hàng mây tre lá, thảm, sơn mài của Việt Nam là Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha và Đài Loan.
Tuy nhiên, chỉ có một vài doanh nghiệp (DN) có thể xuất khẩu trực tiếp cho các nhà nhập khẩu và phân phối ở nước ngoài, như DN tư nhân Đình Triều, CTCP Dương Thành Phú... với các loại sản phẩm như giỏ tre đan, đũa tre, tăm tre, xiên nướng bằng tre sang các thị trường Malaysia, Singapore, Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc.
Tại hội nghị tổng kết “Chương trình sản xuất và thương mại xanh của các Tổ chức Liên Hiệp Quốc cùng thực hiện để tăng thu nhập và tạo các cơ hội việc làm cho vùng nông thôn nghèo” (gọi tắt là chương trình JP) vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Rene Van Berkel - Trưởng bộ phận sản xuất sạch hơn và bền vững thuộc Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc chia sẻ: “Kinh tế xanh là phương pháp tiếp cận nhằm phát triển bền vững bằng cách giảm phát thải và ô nhiễm, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực và cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng, lương thực, nước, vệ sinh và các dịch vụ khác. Còn tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khi vẫn đảm bảo được tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta”.
Theo báo cáo, với tổng ngân sách ban đầu là 4,1 triệu USD, bắt đầu từ 3/2/2010 và vừa kết thúc vào tháng 6/2013, chương trình JP đã hỗ trợ 4.800 hộ nghèo sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và nguyên liệu ở Việt Nam. JP tập trung vào 5 chuỗi giá trị ở 25 xã thuộc bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình và Phú Thọ. Với các sản phẩm mây tre đan, cói, dâu tằm và tơ tằm, sơn và sơn mài, giấy dó. Với mục tiêu vì người nghèo và các chuỗi giá trị xanh bền vững về môi trường, giúp đỡ cho người trồng nguyên liệu nghèo, người thu mua, người sản xuất để họ cải thiện sản phẩm của mình và kết nối hiệu quả hơn với thị trường.
Theo tính toán, các nhà sản xuất được chương trình JP hỗ trợ sẽ tăng thu nhập từ 31,1 triệu đồng/hộ/năm lên 50,1 triệu đồng/hộ/năm. Theo đó, thu nhập từ nhóm nghề tiểu thủ công đã đóng góp là 23% vào thu nhập hộ gia đình. Việc tăng thu nhập cũng khác nhau đáng kể giữa các chuỗi giá trị khác nhau. Ví dụ, thu nhập từ nhóm sản xuất thủ công cũng tăng khá rõ nét đối với người ươm tơ, nhóm mây tre và giấy dó và nhóm trồng cói.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Hiên, cán bộ Phòng Kinh doanh Công ty TNHH Mây tre Xuất khẩu Ngọc Đậu, tỉnh Hà Nam cho biết: “Công ty có thế mạnh cung cấp các mặt hàng mây tre sang thị trường Châu Âu và thị trường châu Mỹ. Tuy nhiên, do kinh tế thế giới suy thoái, nên công ty bị ảnh hưởng rõ nét.
Năm 2012 tổng doanh thu của công ty đạt 3 triệu USD, nhưng dự kiến, doanh thu của công ty năm nay sẽ không bằng năm ngoái. Mặt hàng thế mạnh của công ty là các sản phẩm nhà bếp, như bát, đũa, giỏ tre, sọt đựng rác... được làm từ mây và tre. Bí quyết “giữ chân” bạn hàng của Công ty đó là luôn cải tiến mẫu mã, kiểu dáng và đảm bảo đúng tiến độ giao hàng”.
Các chuyên gia khuyến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành hướng dẫn thi hành Quyết định số 11 ngày 18/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre, phân bổ ngân sách và các nguồn nhân lực để tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho ngành tiểu thủ công nghiệp; đặc biệt chú ý xây dựng thương hiệu cho ngành tiểu thủ công, mỹ nghệ và hỗ trợ việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đã đăng ký cho mỹ nghệ và vùng nguyên liệu.
Theo Mai Hoa
Pháp Luật VN