Đà Nẵng:
Cầu hư hỏng do... công nghệ mới
Sau ba năm đưa vào sử dụng, cầu Thuận Phước được đầu tư gần 1.000 tỉ đồng bắc qua cửa biển Đà Nẵng nham nhở vết nứt, ổ gà.
Trong lúc người dân mỗi ngày đi qua cầu như ngồi trên lưng ngựa thì chủ đầu tư vẫn loay hoay hết vá rồi lại đục. Chủ đầu tư nói hư hỏng là do... công nghệ mới, quá hiện đại.
Từ đầu tháng 9 đến nay, các tấm bảng cảnh báo của đơn vị thi công vẫn tiếp tục dựng lên một nửa lòng cầu. Như mọi ngày, người dân qua cầu chịu cảnh đi về một bên, nhường đường cho các đơn vị đục, vá.
Loay hoay đục, vá
Các công nhân vẫn tiếp tục đục mặt cầu để vá các đoạn bị hỏng. Mặt cầu sau cơn mưa còn đọng lại nhiều vũng nước tại các điểm lồi lõm. Lớp mặt cầu bị băm nát không thương tiếc, nhiều vị trí, vết nứt được vá víu cẩu thả tiếp tục chảy nhão thành gợn sóng lớn. Thợ chụp ảnh dạo trên cầu cho biết họ đã chứng kiến nhiều người chạy xe mất tay lái gây tai nạn.
Trên mặt cầu các công nhân tiến hành khoanh tròn, đánh dấu các điểm nứt. Sau đó họ khoan thủng mặt cầu rồi đào bỏ đi các lớp nhựa. Mặt cầu sau đó được vá lại lổm nhổm, gồ ghề. Các phương tiện qua cầu phải “bò” rất chậm để tránh tai nạn. Ông Lê Văn Trung, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng, cho biết sau khi đưa vào sử dụng, năm 2011 đoạn giữa mặt cầu Thuận Phước bắt đầu xuất hiện hư hỏng. Sở đã yêu cầu đơn vị thi công sửa chữa, hiện đang tiếp tục sửa chữa hai vệt và sắp tới sửa thêm hai vệt nữa. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, sau nhiều lần đục, vá của đơn vị thi công suốt hai năm nay, hiện mặt cầu Thuận Phước vẫn xuất hiện thêm vết nứt ngang dọc, điểm lồi lõm mới.
Ông Mai Triệu Quang - giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng ECC, đơn vị thi công - cho biết: “Hiện nay đã thi công trải thảm lại một phần mặt cầu và đang trong thời gian chờ đánh giá chất lượng. Nếu thời tiết tốt thì trong tháng 9 sẽ hoàn thành phần còn lại”.
Ngành giao thông... bó tay
Theo ông Lê Văn Trung, nguyên nhân cầu Thuận Phước hư hỏng là do áp dụng công nghệ mới, lần đầu tiên sử dụng tại VN. Dự án được phê duyệt kết cấu chính là cầu dây võng - dầm hộp thép với bản cầu bằng thép nên việc thiết kế lớp phủ cầu trên bản thép là công nghệ mới về vật liệu, thiết kế, thi công chưa từng áp dụng tại VN. Cho đến nay chưa có bất kỳ tiêu chuẩn hoặc chỉ dẫn chỉ tiêu vật liệu sử dụng cho kết cấu này. Vì vậy, sở đã mời các cơ quan chuyên môn của các bộ ngành, đơn vị cung cấp vật liệu... để đánh giá, nghiên cứu loại công nghệ và lớp phủ trên mặt cầu.
Ông Trung cho biết: “Sở đã đánh giá nguyên nhân hư hỏng thì thấy thường hư hỏng vào mùa hè thời tiết nắng nóng. Lúc này do ảnh hưởng đồng thời của nhiệt độ bản thép mặt cầu và ảnh hưởng chuyển vị lớn vặn xoáy của loại kết cấu dây khi có tải trọng xe chạy xảy ra hiện tượng biến dạng không đồng nhất của hai loại vật liệu mặt cầu thép và lớp phủ bêtông”. Khi được hỏi sau khi sửa chữa liệu có hư hỏng trở lại hay không thì ông Trung bảo: “Cái đó thì chịu. Cả ngành giao thông ở VN này cũng bó tay trước công nghệ mới này.”
Đừng đổ cho công nghệ mới Kỹ sư Lê Viên Mãn, phó viện trưởng Viện KHCN và phát triển Á Châu, cho biết việc chủ đầu tư giải thích hư hỏng cầu do sử dụng công nghệ mới là không thỏa đáng. Theo ông Mãn, đối với công nghệ epoxy các vật liệu chính đưa vào cấp phối phải được lựa chọn, kiểm định nghiêm ngặt. Tất cả đều phải được đảm bảo thí nghiệm thực tế, khoa học, kết luận chắc chắn đạt tiêu chuẩn. Ông Mãn nói: “Có thể trong quá trình thiết kế cấp phối, giám sát vật liệu có vấn đề. Chất lượng vật liệu thực trộn không đảm bảo yêu cầu thiết kế cấp phối, dẫu chỉ là một số mẻ trộn nhất định cũng dẫn đến các sự cố trên. Epoxy là hỗn hợp liên kết rất tốt, cường độ bám dính rất cao nhưng nếu đá, cát... có cường độ không tương thích, không đạt cũng là nguyên nhân gây nứt”. Theo kỹ sư Mãn, trên thế giới đã có rất nhiều cầu tốt được làm bằng bản thép trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt còn hơn ở VN nên đừng đổ lỗi cho công nghệ mới. |
Theo Hữu Khá
Tuổi trẻ