Câu chuyện về ý tưởng khởi nguồn sapphire của Richard Mille

(Dân trí) - Sapphire - vốn được biết tới bởi độ cứng chỉ sau kim cương, thực chất lại mong manh một cách không tưởng. Chính nghịch lý này, cùng với vẻ đẹp tinh khiết và chút gì đó “băng giá” đã tạo cho Sapphire một sự cuốn hút độc nhất vô nhị.

Được biết tới như một loại đá kết tinh cực kì cứng rắn, Sapphire lại vô cùng nhạy cảm khi chế tác và dễ dàng vỡ vụn nếu xảy ra bất kì một lỗi nhỏ nào. Có thể nói rằng, chính sự kết hợp giữa đặc tính vật lý lý tưởng của Sapphire và thử thách khắc nghiệt trong việc tạo hình nó đã khơi dậy khát khao trở thành người tiên phong của Richard Mille trong công cuộc hiện thực hóa vật liệu nhân tạo này trên đồng hồ. Một sự đánh cược quá lớn tới nỗi không đội Marketing nào dám “bật đèn xanh” cho dự án. Nhưng điều đó không ngăn cản được Richard Mille bởi phá vỡ những rào cản là tất cả những gì thương hiệu theo đuổi.

Câu chuyện về ý tưởng khởi nguồn sapphire của Richard Mille - 1
RM 018 Tourbillon Boucheron khởi đầu cho xu hướng trong suốt của Richard Mille

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2006, khi Richard Mille cho ra mắt mẫu đồng hồ RM 018 Tourbillon Boucheron, chiếc đồng hồ làm say lòng giới mộ điệu với những bánh răng làm bằng đá quý và một bộ vỏ có các đường khía tạo khối. Đó cũng là lí do khiến các kỹ sư tại Richard Mille đã phát minh ra ý tưởng tạo nên khung đỡ và các cầu nối làm bằng Sapphire, với mục đích tận dụng sự trong suốt để tôn vinh các bánh răng chuyền động gắn đá quý. Với độ cứng 1,800 Vickers, tính chất chống mài mòn, hệ số ma sát thấp và độ trong suốt, Sapphire trở thành chất liệu hoàn hảo cho mục đích đó.

“Khi còn trẻ, tôi dành hàng giờ mỗi ngày tại các show triển lãm xe đua và các phương tiện hàng không vũ trụ để ngắm nhìn những bản vẽ kết cấu các loại động cơ, những thứ cho bạn một cái nhìn sâu sắc hơn vào sự phức tạp của các bộ phận cơ khí", Mille giải thích. “Trong những cỗ máy thời gian của chúng tôi, bộ chuyển động luôn là ưu tiên hàng đầu, nhưng ở thành phẩm cuối cùng, vẻ đẹp của chúng lại bị khỏa lấp bớt bởi bộ vỏ đồng hồ. Tôi đã mơ tới một bộ vỏ trong suốt thực sự nhiều năm nay.”

Ước mơ đó của Richard Mille lại là một “sự đau đớn” với toàn bộ đội ngũ khi họ biết rằng sẽ chuẩn bị bắt tay vào một dự án chưa có tiền lệ. “Thông thường, việc tạo nên phần mặt đồng hồ cong của những chiếc Richard Mille đã phức tạp hơn so với những chiếc đồng hồ khác. Độ khít tới phần nghìn của 1 milimet của bộ phận này chính là điều khó khăn nhất cần phải đạt được khi chế tác, vì vậy chỉ cần tưởng tượng tới 1 bộ vỏ hình tonneau hoàn toàn từ Sapphire đã khiến tôi phải rợn tóc gáy!” - Giám đốc kĩ thuật Julien Boillat chia sẻ.

Câu chuyện về ý tưởng khởi nguồn sapphire của Richard Mille - 2
RM 07-02 Blue Sapphire với bộ vỏ được đính kim cương bằng quá trình gia công riêng biệt trên bề mặt Sapphire

Thách thức này đã phải mất tới nhiều tháng để chinh phục, bởi quá trình gia công tiêu tốn rất nhiều thời gian do tính chất mong manh hơn bất kì vật liệu nào khác của Sapphire gây trở ngại. Khối Sapphire nguyên thủy cấu thành bởi nhôm oxit (Aluminium-oxide) tinh khiết 99,99%, cần phải được tạo ra trước nhờ vào kỹ thuật tinh chế Kyropoulos, sau đó làm tan chảy hoàn toàn và từ đó, đá Sapphire được cấy vào bằng phương pháp kết tinh trực tiếp.

Sau khi các phép tính lớn được đưa ra, công đoạn gia công thực tế bộ vỏ 3 lớp làm bằng Sapphire nguyên khối mới thực sự là thử thách cam go nhất. Mặc dù sở hữu đặc tính vật lý vô cùng cứng rắn, nhưng Sapphire không cho phép bất kì một lỗi lầm nhỏ nhất nào trong công đoạn mài giũa và khoan cắt. Mỗi bộ vỏ Sapphire cần hơn 1,000 giờ để gia công, trong đó bao gồm 430 giờ cho việc tạo hình sơ chế các bộ phận cấu thành vỏ đồng hồ và 350 giờ đánh bóng toàn bộ bộ vỏ trên. Chế tác vỏ Sapphire đòi hỏi các dụng cụ chuyên biệt, được trang bị đầu kim cương và liên tục thay thế xuyên suốt quá trình do mài mòn.

Chính vì những lý do đó, dù đạt công suất tối đa từ cỗ máy gia công 6 trục chạy 24/7, không ngừng nghỉ 365 ngày trong năm, Richard Mille chỉ cho ra đời được 5 bộ vỏ sapphire mỗi năm. Từng bộ vỏ phải trải qua nhiều bài kiểm tra của Richard Mille nhằm đảm bảo tính chống chịu và thoải mái tối ưu khi sử dụng.

Vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể chinh phục, Richard Mille đã được hưởng “trái ngọt” khi giới thiệu chiếc RM 056 Sapphire Tourbillon Split-Seconds Chronograph tại triển lãm SIHH 2012. Chỉ mất vài phút để 5 chiếc được sản xuất giới hạn này tìm được chủ nhân của nó, bất chấp mức giá không tưởng – sự quy đổi được giải thích bởi hàng trăm giờ nghiên cứu, phát triển và chế tác cùng với sự khan hiếm của RM 056 Sapphire.

Câu chuyện về ý tưởng khởi nguồn sapphire của Richard Mille - 3
RM 56-02 và bộ chuyển động treo lơ lửng bằng dây cáp trứ danh của Richard Mille

Quả thực vậy, với chỉ 5 chiếc trên toàn thế giới, cơ hội trúng số của bạn có thể còn cao gấp 10 lần với việc bạn bắt gặp được một chiếc RM 056 trên cổ tay của một ai đó! Nhưng RM 056 mới chỉ là sự bắt đầu cho khát khao chinh phục những đỉnh cao mới của Richard Mille khi một năm sau, chiếc RM 56-01 Sapphire tiếp tục gây sốc cho ngành đồng hồ với một cách tiếp cận hoàn toàn khác, được giao thoa giữa RM 056 và RM 018 cùng các cầu nối và khung đỡ làm bằng Sapphire. Và lại một lần nữa, chỉ có 5 chiếc được sản xuất mặc cho nhu cầu ngày một tăng cao. Hiện thân cuối cùng và cao nhất của những cỗ máy trong suốt được ra mắt vào năm 2014 với mẫu RM 56-02 và bộ chuyển động treo lơ lửng bằng dây cáp trứ danh của Richard Mille. Mẫu đồng hồ này đã khép lại hành trình chinh phục đỉnh cao của series RM 056 nhằm tạo ra một bộ chuyển động có thể được tôn vinh ở tất cả mọi góc nhìn.

Câu chuyện về ý tưởng khởi nguồn sapphire của Richard Mille - 4
RM 07-02 Automatic Pink Sapphire gợi lại những hình ảnh của thời hoàng kim đầu thế kỉ 20 với những chi tiết mang âm hưởng Art Deco 

Tạo ra một quy chuẩn mới cho Sapphire trong chế tác đồng hồ, Richard Mille lại tự đặt ra thử thách mới cho chính mình trong việc tạo màu cho vật liệu khó nhằn này: nguyên tố Coban trong nguyên liệu gốc của sapphire sở hữu một sắc xanh lá đặc biệt, cùng với sắc hồng nhẹ ánh lên từ khung viền đồng hồ làm bằng Titanium, nếu cho thêm thành phần sắt vào Titanium, bạn có được màu xanh dương thuần túy của Sapphire. Rất nhiều bài kiểm tra được thực hiện nhằm đạt được sắc độ màu chuẩn xác nhất mà không gây ảnh hưởng tới độ trong của Sapphire và các đặc tính vật lý của nó. Với những thử nghiệm này, thương hiệu nối tiếp chuyến phiêu lưu của mình với một phiên bản dành riêng cho phái đẹp dựa trên bộ chuyển động in-house của RM 07-01.

Câu chuyện về ý tưởng khởi nguồn sapphire của Richard Mille - 5
RM 07-02 Sapphire đã ra đời như một chiếc đồng hồ có bộ vỏ bằng Sapphire đầu tiên dành cho phụ nữ, với sắc hồng nhẹ thanh lịch bao trùm bộ vỏ trong suốt như tinh thể pha lê, để lộ trái tim của bộ chuyển động từ vàng đỏ 18N.

Sản xuất một cách chọn lọc và giới hạn, RM 07-02 Lady Sapphire được tô điểm bởi những bộ vỏ Sapphire màu nâu, xanh lá, xanh dương, và gần đây là đính kim cương – một cuộc cách mạng nhỏ trong lịch sử những chiếc đồng hồ làm bằng Sapphire. Các đường gắn chấu đính kim cương được tạo ra bởi kỹ thuật cắt laser, sau đó các chấu đính làm bằng vàng trắng được gia công riêng biệt sẽ được đặt lên các đường cắt bằng laser trên bộ vỏ sapphire đó. Những đường rãnh kim cương hợp nhất với bộ vỏ Sapphire mở ra một chân trời mới trong công cuộc chế tác và khảm nạm trên vật liệu cứng gần bằng kim cương này.

Dù là trong suốt, mang những sắc màu đa dạng hay được khảm kim cương thì những tác phẩm từ Sapphire của Richard Mille vẫn mang những giá trị của thương hiệu, đó là tôn vinh bộ chuyển động phức tạp dưới mọi góc nhìn, và tri ân công sức lớn lao từ những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chế tác cùng đội ngũ kỹ sư thiết kế bộ chuyển động. Hiếm có và độc nhất, Richard Mille Sapphire mang trong mình hiện thân của kĩ nghệ bậc thầy trong chế tác vật liệu, và tận cùng khát khao vượt qua mọi giới hạn bằng bất kỳ giá nào.

RICHARD MILLE (Viet Nam)56 Ly Thai To Street, Metropole Hotel, Hanoi, VietnamTel: (0084) 243 2669 356 - Fax: (0084) 243 2669 355