Câu chuyện về người nâng tầm cho giống gà bản địa Việt Nam
Với sản lượng 13 triệu con giống trong năm 2016, trong đó có 10 triệu con là giống gà Ri Ta bản địa truyền thống. Nếu tính riêng về phân khúc gà Ri ta, công ty gà Lượng Huệ hiện là đơn vị sản xuất gà ri giống bản địa lớn nhất Việt Nam.
Năm 1990, sau khi rời khỏi quân ngũ, ông Phạm Văn Lượng- Giám đốc công ty gà Lượng Huệ bây giờ, trở về gắn bó với cây lúa, cây khoai. Nhận thấy cuộc sống của gia đình quá khó khăn, ông đã ấp ủ khát vọng chuyển đổi sang chăn nuôi, để rồi trở thành Giám đốc công ty giống gia cầm lớn top 3 tại Việt Nam. Đó là một quá trình dài của người lãnh đạo với cái tâm sáng và cái đầu thức thời.
Thành công bắt nguồn từ tầm nhìn với giống gà Ri truyền thống
Nhớ lại khoảng thời gian khi mới bắt tay vào tìm kiếm con đường lập nghiệp, ông Lượng chia sẻ nếu không có những thay đổi kịp thời vào phút bù giờ cuối cùng thì không biết số phận công ty Lượng Huệ giờ ra sao.
Theo đó, khi con gà trắng còn đang làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam, ông Lượng và gia đình đã quyết định nhập một lô gà bố mẹ về để phát triển làm con giống. Thế nhưng khi nắm bắt được thông tin có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang nhăm nhe thị trường này, công ty Lượng Huệ lập tức có thay đổi táo bạo, đó là hủy bỏ kế hoạch nuôi gà trắng để chuyển sang giống gà Ri ta truyền thống. Đây là loại gà được người Việt Nam ưa chuộng bởi chất lượng thịt ngon nhất nhì thế giới, kĩ thuật chăn nuôi đơn giản, sức sống tốt, lại chưa có công ty nào chú trọng đến.
Nghĩ là làm, khởi nghiệp ban đầu chỉ với 50 con gà Ri Ta bản địa, sau hơn 1 năm số lượng đàn gà của ông tăng gấp 10 lần. Đồng thời, để cho ra những giống gà vừa thừa hưởng được những đặc điểm quý báu của giống gà Ri thuần chủng, vừa cho năng suất cao giúp người chăn nuôi có lãi. Ông Lượng và các chuyên gia lai tạo giống đã bỏ nhiều ngày đi đến nhiều nơi trên đất nước Việt Nam tìm hiểu nghiên cứu, chọn tạo các nguồn gen gà quý, tận dụng ưu thế lai để cho ra những dòng con giống chất lượng, được đánh giá cao trên thị trường.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức, kiên trì là chìa khóa của thành công
Hành trình có được cơ ngơi như ngày hôm nay của ông Lượng cũng trải qua rất nhiều khó khăn. Như năm 2003, một công nhân do sơ suất đã để bạt che bén vào bếp sưởi. Toàn bộ 3000 con gà vừa nhập có giá trị hàng trăm triệu – tương ứng hàng tỷ đồng hiện nay hóa thành tro bụi. Thế nhưng, trời không phụ lòng người, nhờ gặp được đối tác tốt, ông Lượng được đối tác cho chịu tiền 1000 con gà mới để bắt đầu lại.
Chưa ổn định được bao lâu, 2 năm sau, đại dịch cúm gia cầm bùng nổ khiến trang trại của gia đình ông một phen khốn đốn. Gà giống ấp không bán được mà gà bố mẹ thì không thể không ăn. Tiền vay anh em, bạn bè, tiền bán nhà, bán ruộng vườn cứ theo tiền cám đội nón ra đi. Có những bữa thấy tiếng xe máy là hai vợ chồng bỏ dở cả cơm chạy trốn vì biết là tiếng xe của cán bộ ngân hàng đến đòi nợ. Hơn 1 tháng sau, Hải Phòng công bố hết dịch, thời cơ đến, bán ra thị trường cả trang trại gà không một con mắc dịch bệnh khi mặt hàng này đang quá khan hiếm, ông Lượng thu được cả vốn lẫn lãi.
Nhờ công việc thuận lợi sau đó, ông Lượng liên tục mở rộng trang trại và tiến hành xây dãy chuồng thứ 3 vào năm 2008. Sau khi hoàn thiện và cất nóc vừa được một ngày thì cơn bão lịch sử kéo đến. Gió to, mưa lớn, khu chuồng trại mới khang trang, sạch sẽ biến thành đống đổ nát hoang tàn. Quá bất ngờ, ông Lượng không nói nổi thành lời, còn vợ ông – bà Huệ thì bật khóc. Chứng kiến cảnh ấy, những người đến bắt gà cũng không cầm nổi nước mắt mà thương cảm khóc theo.
Thế nhưng, những khó khăn ấy lại chính là bước đà cho thành công bây giờ. Theo ông Lượng, có nhiều thất bại dễ đánh gục và làm tê liệt ý chí của người chăn nuôi: “Những lúc như vậy phải thực sự bình tĩnh và kiên trì. Từ kiên trì làm lại, thử nghiệm cách làm mới, càng làm thì mới tìm ra được ưu điểm, khuyết điểm và hiểu rõ hơn các góc cạnh vấn đề. Có những lúc tưởng chừng như nắm chắc phần thua nhưng bình tĩnh và kiển trì vẫn xoay chuyển tình thế. Bởi tôi đã trải qua những lúc khó khăn nhất trong nghề đến tưởng chừng như không thể gượng dậy được, nên giờ đây nếu có khó khăn thử thách, tôi đều đón nhận với một tâm thế điềm tĩnh và từng bước gỡ khó.”
Kiên trì thôi chưa đủ, muốn giàu, muốn giỏi phải cần cái đầu mới
Nhắc đến ông Lượng và Công ty Giống gia cầm Lượng Huệ, dân trong nghề đều thán phục bởi sự đầu tư cho việc học tập nước ngoài và sự bạo dạn áp dụng những công nghệ mới nhất.
Ông Lượng chia sẻ: “Phát triển trí tuệ nguồn nhân sự - công nghệ đột phá - mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế là 3 trụ cột mà tôi xác định làm định hướng phát triển của công ty giống gia cầm Lượng Huệ.”
Bản thân ông Lượng và các nhân sự công ty đã đi thăm quan và học hỏi rất nhiều mô hình và cách làm chăn nuôi từ các cường quốc như: Thái Lan, Mĩ, Nga, Trung Quốc, Malaysia, những nước làm nông nghiệp công nghệ cao như Nhật Bản hay cường quốc số 1 thế giới về nông nghiệp là: Israel. Xác định chỉ có đi tắt đón đầu, và nhập khẩu trực tiếp công nghệ là con đường ngắn nhất để thành công. Nên cuối năm 2016, 4 trong số 16 dãy chuồng tại khu chăn nuôi công nghệ cao rộng 9ha của công ty Lượng Huệ đã chuyển đổi toàn bộ sang áp dụng dây chuyền công nghệ chăn nuôi nhập khẩu từ Israel.
Điển hình nhất về việc “đi tắt đón đầu” là khi ông Lượng quyết định áp dụng công nghệ tiêm vaccine 4 bệnh của Pháp cho 100% gà giống của công ty. Dù trên thế giới, công nghệ vaccine 4 bệnh đã lưu hành từ lâu và có hơn 50 tỉ gà được chủng công nghệ này. Nhưng tại thời điểm ông quyết định, chưa có 1 con gà ta bản địa nào của nước ta được chủng công nghệ vaccine 4 bệnh. Khi ông Lượng bắt đầu áp dụng loại vaccine này, đó là một cơn chấn động cho cả ngành chăn nuôi, thậm chí nhiều người trong nghề còn cho đó là điều khó tưởng. Bởi họ cho rằng làm thế nào một con gà mới đẻ ra lại chịu được tưng đó loại vaccine trong người cùng lúc? Để chủng được vaccine phòng 4 bệnh cho một con gà giống 1 ngày tuổi, đòi hỏi gà giống phải có chất lượng và sức khoẻ rất tốt và một quy trình quản lý con giống rất nghiêm ngặt từ trạm ấp. Thế nhưng, nhận thấy sự đột phá và lợi ích quá lớn của công nghệ này, ông Lượng đã quyết tâm thực hiện và thành công. Nhờ vaccine 4 bệnh, gà giống Lượng Huệ có kết quả miễn dịch và sức đề kháng vượt trội, mà lại giảm đi được một nửa số công làm vaccine cho người chăn nuôi và tăng đến 40% hiệu quả kinh tế.
Khát vọng của ông Lượng là phải xây dựng được một Thương Hiệu quốc gia về gà Ri ta, đủ mạnh để xứng tầm đại diện cho các sản phẩm gia cầm của Việt Nam với thế giới. Hiện nay, ngoài việc cung cấp gà giống, Lượng Huệ còn xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm, đặc biệt tập trung chủ lực vào giết mổ các sản phẩm gà ta Ri thương phẩm của Lượng Huệ, theo tiêu chuẩn quốc tế: GMP-WHO. Đây là tiêu chuẩn cực kì khắt khe trên thế giới và trước nay chỉ được áp dụng chủ yếu cho nhà máy sản xuất vaccine, thuốc cho người và thuốc thú y.
Ông Lượng chia sẻ rằng: Vì bản thân mình cũng xuất thân là một người nông dân, người lính nên ông thấu hiểu chính xác những trằn trọc tính toan, vất vả của rất nhiều người chăn nuôi, người nông dân khác.
Ông Lượng cũng khẳng định rằng: “Bản thân tôi hoàn toàn không ngại chia sẻ những kinh nghiệm tích luỹ được suốt hơn 20 năm trong nghề chăn nuôi: Từ giai đoạn nào, ai sẽ cần hỗ trợ gì để đồng hành, cầm tay chỉ việc”.
Bởi ông tin rằng: Những bài học vấp váp từ quá khư mà ông trải qua sẽ giúp những người chăn nuôi khác bớt phải trả giá đắt đỏ và rút ngắn được con đường đến với làm giàu chân chính từ chăn nuôi bền vững.
Hà Anh