Cặp vợ chồng giàu nhất Việt Nam giảm hơn 37.000 tỷ đồng tài sản từ đầu năm
(Dân trí) - Cổ phiếu Vingroup đóng cửa tuần tại 79.100 đồng/cổ phiếu, cũng là mức giá thấp nhất một năm qua. Tính chung trong một tháng, VIC giảm 19,7% và giảm 18,35% so với cùng thời điểm một năm trước.
Trong tuần qua, với ảnh hưởng bởi thông tin căng thẳng giữa Nga và Ukraine, thị trường chứng khoán trong nước cũng như quốc tế đã bị ảnh hưởng tiêu cực và biến động mạnh. Đặc biệt, tâm lý lo ngại gia tăng đã dẫn đến nhịp bán tháo đầu phiên chiều 24/2 khiến VN-Index có lúc rơi gần 40 điểm trước khi hồi phục cuối phiên nhờ dòng tiền bắt đáy.
Phiên cuối tuần, tuy thị trường có dấu hiệu khởi sắc tích cực phiên sáng nhưng chỉ số nhanh chóng có dấu hiệu "hụt hơi" vào phiên chiều, chỉ giữ lại hơn 4 điểm tăng và dừng chân dưới ngưỡng 1.500 điểm.
Đóng cửa tuần, VN-Index chốt tại mức 1.498,89, giảm 5,95 điểm so với đóng cửa tuần trước đó, còn HNX-Index tăng 1,04% so với đóng cửa tuần trước và đạt mức 440,16 điểm.
Trong tuần qua, VPB và MBB là hai cổ phiếu dẫn dắt, kéo VN-Index với mức ảnh hưởng lần lượt là 8 điểm và 3,5 điểm. Trong khi đó, VIC lại là cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường chung, kéo giảm VN-Index gần 3,4 điểm.
Trong 5 ngày giao dịch, VIC của Vingroup giảm tổng cộng 3.100 đồng/cổ phiếu tương ứng 3,77%, đóng cửa tuần tại 79.100 đồng, đây cũng là mức giá thấp nhất 52 tuần của mã này. Tính chung trong một tháng qua, VIC giảm 19,7% và giảm 18,35% so với cùng thời điểm một năm trước.
Việc cổ phiếu lập đáy ảnh hưởng đáng kể đến giá trị tài sản của Chủ tịch Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng. So với thời điểm đầu năm, VIC giảm 16.000 đồng/cổ phiếu (tương ứng 16,82%), theo đó, tài sản của người giàu nhất Việt Nam cũng giảm tới 34.494,6 tỷ đồng, hiện đạt khoảng 170.533 tỷ đồng.
Đồng thời, tài sản của bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch Vingroup - cũng giảm 2.719 tỷ đồng, còn 13.442 tỷ đồng. Tính chung, vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng đã hụt khoảng 37.214 tỷ đồng giá trị tài sản so với mức đầu năm.
Ngoài VIC thì tuần qua, VN-Index còn bị tác động tiêu cực bởi các cổ phiếu lớn, đầu ngành như VCB, VHM, MSN, HPG, NVL, CTG, VNM, TCB… Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tích cực ngoài VPB, MBB còn có PLX, DXG, VND, MWG, DCM, DPM, DXS.
Mặc dù là một tuần có nhiều biến động và tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi thông tin thế giới, vậy nhưng một số mã cổ phiếu vẫn tăng phi mã.
Chẳng hạn như HUT và FRT. Cổ phiếu HUT của Công ty cổ phần Tasco tăng 32,33% sau khi thoát lỗ ngoạn mục trong năm 2021 và được kỳ vọng hưởng lợi từ kế hoạch đầu tư công năm 2022. Còn cổ phiếu FRT của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT cũng có mức tăng 21,95% trong tuần sau khi chuỗi nhà thuốc Long Châu bắt đầu triển khai bán thuốc Molnupiravir.
Ngoài ra, tuần qua cũng chứng kiến đà tăng mạnh tại một số mã như VMD tăng 38,72%; AGM tăng 38,71%; SMT tăng 59,35%: PDC tăng 57,5%; PMB tăng 44,81%; PCE tăng 38,59%; PSE tăng 35,75%....
Mặt khác, nhiều cổ phiếu giảm sâu như CLW giảm 16%; TNC giảm 11,59%; TTB giảm 9,52%; BST giảm 16,95%; ATS giảm 15,49%; PJC giảm 14,18%...
Yếu tố tích cực là dòng tiền vẫn chực chờ ở vùng giá thấp để bắt đáy cổ phiếu. Điều này phản ánh tính thận trọng của giới đầu tư, dòng tiền chưa rời bỏ thị trường.
Thanh khoản bình quân của sàn HoSE và sàn HNX tuần vừa rồi lần lượt tăng 24,5% và 74% so với tuần giao dịch trước, đạt hơn 797 triệu cổ phiếu/phiên trên HoSE và gần 118 triệu cổ phiếu/phiên trên HNX.