Cấp tập bán nhãn non vì lo... bội thu
Bạt ngàn cánh đồng nhãn lồng dọc đê sông Hồng ở Khoái Châu (Hưng Yên) trĩu những chùm quả đầu mùa, hứa hẹn một mùa nhãn bội thu.
Đáng lý ra, được mùa thì bà con sẽ phấn khởi. Nhưng điều này lại trái ngược hoàn toàn với vùng nhãn đặc sản miền Bắc này; bởi một lẽ, mùa bội thu sẽ đồng nghĩa với việc giá thấp.
Cấp tập bán non
Về vùng nhãn lồng Khoái Châu những ngày này, dù hơn một tháng nữa mới chính vụ, song nhìn những chùm nhãn đầu mùa còn non trái sum sê, có thể biết mùa nhãn hứa hẹn bội thu. Ông Nguyễn Trí Cung (thôn Đa Hòa, xã Bình Minh) tặc lưỡi: “Hơn tháng nữa cô về thì mới thu hoạch, tha hồ nhãn ăn, muốn ăn bao nhiêu cũng không ai cấm!”.
Câu nói vui của người đàn ông trồng nhãn lâu năm như ngầm ý về một mùa nhãn bội thu quả. Hơn bốn sào nhãn nhà ông Cung với khoảng 50 gốc nhãn đang chi chít quả non, kết quả của đợt chăm bón cẩn thận, thời tiết thuận lợi. Không chỉ nhà ông Cung, 5 sào nhãn của anh Chiến (xóm Mới) cũng đang được nhiều thương lái nhăm nhe “mua vo” cả vườn nhãn ngay từ thời điểm nhãn đang xanh quả.
Ông Nguyễn Văn Quảng (xóm Mới, xã Bình Minh) ngay đầu tuần đã phải ngậm ngùi để lái buôn về “mua vo” cả vườn nhãn. Hai bên ước lượng sản lượng cả vườn là 2 tấn, ông Quảng bán đổ đồng 18.000đ/kg. Cầm trong tay 36 triệu đồng, người chủ vườn không biết nên buồn hay nên vui. “Năm nay lượng nhãn tăng nên giá kiểu gì cũng xuống thấp. Coi như đánh bạc với trời, quả đẹp thì mình chịu mất, còn vì thời tiết mà cho quả xấu thì thương lái tự chịu’ – ông Quảng nói.
Theo nhiều chủ vườn, lâu nay việc tiêu thụ nhãn đều theo kiểu “tự sản, tự tiêu”, ai cũng loay hoay tự tìm thị trường tiêu thụ. chị Nguyễn Thị Xuân - người dân trồng nhãn xã Bình Minh - buồn rầu: “Lo nhất là khi chính vụ, lượng nhãn tăng đột biến, chúng tôi không biết bán nhãn kiểu nào đây. cũng phải tính đến việc mang nhãn ra chợ bán lẻ thôi!”.
Nhà vườn thua thiệt
Đây không phải lần đầu tiên thứ quả đặc sản miền Bắc này rơi vào tình cảnh “được mùa, mất giá”. Năm ngoái, cả vùng nhãn Khoái Châu trĩu quả, thơm lừng bán chính vụ “đổ đồng” với giá 25.000đ/kg, mãi đến cuối vụ mới nỗ lực “kéo” giá lên đến 40.000đ/kg nhưng số lượng không đáng kể. Vườn nhãn của ông Cung cũng chật vật mãi mới bán hết, trong đó vợ ông Cung phải mang ra chợ bán buôn lẫn bán lẻ với đủ các giá. Đặc sản bán thừa mứa ở chợ, trong khi đó có nhiều nơi, người tiêu dùng muốn mua đúng nhãn lồng Hưng Yên cũng không có để mua, hoặc nếu có thì phải chịu một mức giá rất cao do qua nhiều tầng nấc trung gian.
Thực ra, nói “mất giá” thì cũng không hẳn. Theo nhiều bà con, việc trồng nhãn không tiêu tốn quá nhiều công sức và vật tư, nên dù giá bán có xuống 20.000đ thì họ vẫn đủ để trang trải vụ sau. Điều đáng nói là sự chênh lệch giá quá lớn giữa vùng trồng và thị trường bán lẻ. Nhiều bà con cho hay, họ bị thương lái ép giá ngay tại vườn, khi “mua vo” cả vườn với giá sàn rất thấp. Đồng ý bán non thì chấp nhận lỗ, không bán thì lúc chính vụ, bản thân chủ vườn phải loay hoay liên hệ với lái buôn để tiêu thụ.
Về điều này, ông Lê Trọng Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu - dự báo, do sản lượng nhãn năm nay gấp đôi năm ngoái với khoảng 12.000 tấn (diện tích 685ha) nên giá bán nhãn có thể thấp hơn năm ngoái - từ 20.000 – 22.000đ/kg tùy loại.
Theo Dương Hà