Cao ốc Keangnam lại tranh chấp về phí dịch vụ bán lẻ

(Dân trí) - Giữa cư dân toà nhà và phía chủ đầu tư Keangnam Vina hiện vẫn chưa thống nhất được mức phí quản lý tính cho phần diện tích bán lẻ. Keangnam Vina cũng không chịu trả lại khoản phí mà cư dân đã gánh cho hơn 3 năm.

 

Tranh chấp liên tiếp xảy ra kể từ khi toà cao nhà cao nhất Việt Nam này đi vào hoạt động.
Tranh chấp liên tiếp xảy ra kể từ khi toà cao nhà cao nhất Việt Nam này đi vào hoạt động.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Báo cáo thường kỳ tháng 4 của Ban Quản trị chung cư Keangnam mới hé lộ thông tin khúc mắc giữa chủ đầu tư toà nhà là Công ty Keangnam Vina và cư dân tại đây về tính phí diện tích bán lẻ. 

Theo Ban quản trị chung cư Keangnam, Ban Quản trị đã họp với Keangnam Vina về tính phí diện tích bán lẻ. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này Keangnam Vina chỉ đồng ý đóng phí với mức phí 1.146 đồng/m2 (không bao gồm bảo hiểm) và yêu cầu tự mua bảo hiểm cho khu bán lẻ và chỉ đóng kể từ ngày 1/6/2015.

Ban Quản trị chung cư Keangnam đã không chấp nhận yêu cầu vì cho rằng, khối đế bán lẻ là một phần không thể tách rời khởi toà nhà về cấu trúc xây dựng đồng thời Ban Quản trị cũng không thể chấp nhận yêu cầu phi lý miễn tiền quản lý cho Keangnam toàn bộ chi phí quản lý mà cư dân đã góp tiền gánh hơn 3 năm kể từ năm 2011.

Ngoài các vấn đề về tính phí diện tích bán lẻ, giữa cư dân tại đây với phía chủ đầu tư hiện còn đang tranh chấp về quỹ bảo trì. Cách đây vài hôm, trước lo ngại Tập đoàn Keangnam bị phá sản, các tài sản bị phát mại, Ban Quản trị toà nhà đã có công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì 2%.

Thậm chí, hai bên còn chưa thống nhất được quỹ bảo trì toà nhà hiện có bao nhiêu tiền. Quỹ bảo trì chung cư Keangnam theo ước tính của Ban quản trị khoảng 160 tỷ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng), trong khi phía chủ đầu tư Keangnam thông báo là 125 tỷ đồng.

Cách chi trả quỹ cũng chưa tìm được tiếng nói chung. Hồi tháng 12/2014 Keangnam Vina thừa nhận số tiền quỹ bảo trì đã thu là 125 tỷ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng và diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại) và đã sử dụng sai mục đích số tiền này. Đến tháng 3/2015 Keangnam Vina gửi công văn đề nghị trả quỹ bảo trì mỗi năm 5 tỷ đồng và trả trong vòng 25 năm. Tuy nhiên, phương án này Ban quản trị không chấp nhận do số tiền trả hàng năm nhỏ hơn lãi suất ngân hàng. 

Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower được biết đến là tòa nhà hiện đại cao nhất việt Nam nhưng cũng là một trong số những toà nhà nhiều tai tiếng nhất tính cho tới thời điểm hiện nay. Năm 2008, bắt đúng đỉnh của cơn sốt bất động sản Việt Nam, giá căn hộ tại đây được rao bán ở mức cao kỷ lục khoảng 3.000 USD/m2, đẩy giá căn hộ lên tới 7-8 tỷ đồng/căn. 

Tuy nhiên, giá bán đẳng cấp dường như chưa thực sự đi cùng với những đẳng cấp sống. Dự án này vướng phải khá nhiều kiện tụng do phí chung cư quá đắt đỏ. Năm 2012, chủ đầu tư này còn dọa cắt điện, cắt thang máy của cư dân, rồi tuyên bố sẽ trả lại tòa nhà cho thành phố Hà Nội vì... lỗ, phí chung cư không đủ trang trải phí vận hành tòa nhà. Chủ đầu tư này cũng từng bị phạt do thanh toán căn hộ bằng ngoại tệ, phải hầu tòa do khách hàng kiện tính gian diện tích...

Về khối dịch vụ bán lẻ, mới đầu năm nay, tại tòa nhà này lại chứng kiến một sự kiện khá hy hữu khi một thương hiệu bán lẻ hạng sang ngoại có mặt tại Việt Nam từ lâu là Parkson đột ngột tuyên bố đóng cửa trung tâm mua sắm lớn nhất của mình tại Hà Nội với nguyên nhân là làm ăn thua lỗ và còn nhiều khúc mắc với phía chủ đầu tư Keangnam. 

 Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”