Cạnh tranh thu hút tiền gửi: Hiệu quả không như mong đợi
Các ngân hàng hiện vẫn chủ yếu dựa vào công cụ lãi suất để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, khiến cho lãi suất liên tục tăng trong năm 2004 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cạnh tranh chủ yếu diễn ra giữa hai khối ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần. Chiếm đến 77,5% thị trường vốn huy động ở Hà Nội nhưng các ngân hàng thương mại Nhà nước không dám đủng đỉnh như những năm trước đây mà cũng tham gia quyết liệt vào cuộc đua vì đã thấy nguy cơ mất dần thị phần.
Bị khống chế bởi thoả thuận thống nhất mức lãi suất trần về tiền gửi dân cư và tổ chức, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã lách bằng chiêu khuyến mại, tặng quà áp dụng trong toàn hệ thống.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tăng lãi suất tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn kèm quà tặng và thực hiện chương trình: "Tiết kiệm đặc biệt lãi suất luỹ tiến", chương trình chứng chỉ tiền gửi dài hạn dự thưởng bằng vàng 3 chữ A trên toàn quốc.
Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thì thực hiện chương trình tiết kiệm dự thưởng kéo dài đến 8/8/2005 với tổng giá trị 5,58 tỷ đồng, trong đó có 3 giải đặc biệt trúng thưởng ô tô Toyota Altis.
Một kẽ hở khác của thoả thuận cũng được các ngân hàng thương mại Nhà nước tận dụng triệt để là nâng mức lãi suất của các kỳ hạn và loại hình tiền gửi không thoả thuận lãi suất trần. Ví dụ mức thoả thuận lãi suất trần đối với tiền gửi tiết kiệm 12 tháng hiện nay là 7,8%/năm, nhưng BIDV phát hành chứng chỉ tiền gửi 12 tháng với mức lãi suất lên đến 8,16%/năm và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) phát hành các chứng chỉ tiền gửi ghi danh VND thời hạn 2 năm với lãi suất tiền gửi VND đến mức 8,63%/năm...
Chiếm một thị phần nhỏ bé trong thị trường vốn huy động (chỉ 9,6%/ tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng ở Hà Nội) nhưng trong 7 tháng đầu năm 2005, các ngân hàng thương mại cổ phần đang có tốc độ tăng tiền gửi tiết kiệm gấp đôi các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Đầu tiên khối ngân hàng này cạnh tranh chủ yếu bằng công cụ lãi suất. Do không bị khống chế bởi thoả thuận nên từng ngân hàng thương mại cổ phần chủ động, linh hoạt hơn trong việc quyết định các mức lãi suất.
Mặt bằng lãi suất tại tất cả các kỳ hạn, đối với các loại đồng tiền của khối này đều cao hơn khối ngân hàng thương mại Nhà nước. Ví dụ tiết kiệm VND kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng thương mại cổ phần cao hơn từ 0,66%-0,96%/năm.
Sau này, nhận thấy tác động của các chương trình khuyến mại đến khách hàng, bên cạnh lãi suất các ngân hàng thương mại cổ phần kết hợp cả chương trình tặng quà cho khách hàng. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang đi trước trong chào mời các tiện ích tiền gửi.
Tuy nhiên, hình như các tiện ích này chỉ gây bối rối thêm cho khách hàng như người ta đứng trước lựa chọn mua hàng nhiều màu sắc, và khách hàng chủ yếu chỉ quan tâm nghe ngóng mức lãi suất.
Hiện nay đang xảy ra tình trạng tiền gửi tiết kiệm liên tục chuyển dịch từ các ngân hàng có lãi suất thấp sang các ngân hàng lãi suất cao. Mặc dù lãi suất huy động tăng cao nhưng kết quả tốc độ tăng huy động vốn ở Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2005 vẫn đạt thấp hơn mức dự kiến, cũng như thấp hơn mức tăng chung của toàn quốc và TPHCM. Tình hình này cho thấy rằng cạnh tranh lãi suất cũng không hẳn đem lại kết quả như kỳ vọng.
Bản thân các "đấu thủ" trong cuộc chạy đua cũng cảm thấy lo ngại.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Công thương Ba Đình nói: "Việc tăng lãi suất phụ thuộc vào biến động trên thị trường. Lãi suất ngoại tệ theo biến động của thị trường tài chính-tiền tệ quốc tế.
Biến động lãi suất nội tệ cũng phụ thuộc vào cung cầu vốn nhưng cũng phụ thuộc vào các ngân hàng. Nếu cứ tăng lãi suất huy động phải tăng lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay cao thì việc làm ăn của doanh nghiệp cũng khó khăn, không trả nợ được làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng".
Ông Phan Văn Tính, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á nói: "Mức lãi suất huy động đã ở đỉnh cao rồi, ngân hàng cứ chạy đua với nhau mãi thế này thì chạy đến lúc nào? Lãi suất cho vay thì không thể tăng được nữa mà cứ tăng lãi suất đầu vào thế này thì ngân hàng làm sao có lãi".
Việc cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng là một tất yếu nhưng lãi suất là một yếu tố nhạy cảm, nó không chỉ là giá cả của việc sử dụng vốn mà còn là một biến số quan trọng có tác động tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Trong khi lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư là có hạn thì việc tăng lãi suất huy động đến một giới hạn nhất định sẽ không phát huy được vai trò làm gia tăng lượng vốn huy động mà sẽ làm tăng rủi ro thu nhập cho các ngân hàng, gây áp lực tăng lãi suất cho vay.
Như vậy, nếu các ngân hàng không nhận thức đúng đắn được tình hình thực tế hiện nay, có tư tưởng cục bộ, tăng cường chạy đua cạnh tranh lãi suất sẽ khiến môi trường kinh doanh chung trở nên khó khăn hơn, có thể tác động ngược chiều tới hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng và làm ảnh hưởng tới các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Theo VnEconomy