Cảnh giác với các kiểu "làm giá" chứng khoán

Nhận định đúng các diễn biến của phiên giao dịch qua các thông tin trên bảng điện tử để có quyết định mua/bán, xác định giá chính xác không phải là chuyện dễ đối với các nhà đầu tư (NĐT) ít kinh nghiệm. Họ rất dễ bị "sập bẫy" nếu không nhận diện được các "chiêu" làm giá.

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, Đại học Mở TPHCM.

Ai là người có thể "làm giá" và biểu hiện của việc "làm giá" là gì thưa ông?

Để có thể "làm giá", NĐT phải đáp ứng một số điều kiện như vốn lớn, có nhiều tài khoản khác nhau (bằng cách nhận ủy quyền tài khoản của những người thân trong gia đình), có mối quen biết với những nhân viên trong công ty chứng khoán.

Chiêu thức "làm giá" áp dụng với thị trường đang thực hiện khớp lệnh định kỳ như Trung tâm giao dịch TPHCM được thực hiện như sau: khi muốn bán CP với khối lượng lớn, NĐT sẽ đưa ra 3 mức giá mua tốt nhất để "che giá" trên bảng điện tử do bảng điện tử chỉ hiển thị 3 mức giá mua tốt nhất.

Trước đây, các NĐT áp dụng chiêu này thường chỉ đặt khối lượng vài lô nhưng như vậy rất dễ bị phát hiện nên hiện nay họ thường đặt khối lượng cao hơn, có thể đến vài chục lô. Giá đặt mua cao này sẽ tác động đến tâm lý các NĐT đang có nhu cầu mua vào, khuyến khích các NĐT này đặt lệnh mua với mức giá cao hơn họ dự kiến.

Khi các công ty chứng khoán ưu tiên các lệnh có khối lượng lớn thì đến "phút 89" NĐT "làm giá" bắt đầu đặt lệnh bán khối lượng lớn với mức giá hợp lý theo thị trường. Còn khi muốn mua thì NĐT thực hiện ngược lại. Các NĐT "chơi theo phong trào" rất dễ mắc bẫy với kiểu "làm giá" này.

Vậy phương thức khớp lệnh liên tục có khắc phục được các kiểu  "làm giá" không?

Phương thức khớp lệnh liên tục sẽ phần nào khắc phục các chiêu  "làm giá", tuy nhiên vẫn có cách là "giá mồi". Có nghĩa là NĐT muốn bán với khối lượng lớn có thể đặt mua giá trần với khối lượng nhỏ để sau đó sẽ đặt lệnh bán với khối lượng lớn với giá tốt.

Việc "làm giá" khi thị trường áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục sẽ khó khăn hơn nhưng vẫn có thể thực hiện nên các NĐT cần tỉnh táo theo dõi diễn biến giao dịch.

Có phải các kiểu "làm giá" nói trên thực hiện được do thị trường có "lỗ hổng"?

Đây không phải là lỗ hổng của thị trường mà do bản chất của phương thức khớp lệnh định kỳ. Để có thể hạn chế được tình trạng "làm giá" trên thị trường hiện nay, cơ quan quản lý cần cho NĐT đặt lệnh online, việc đặt lệnh online sẽ khiến các nhân viên ở những công ty chứng khoán không thể ưu tiên cho lệnh của các NĐT quen biết để họ có thể lợi dụng "làm giá".

Theo Thanh Xuân
Báo Thanh niên