Cảnh báo “Trung Quốc hóa” trại cá tầm Việt Nam

Đoàn thanh tra của Tổng cục Thủy sản đang có mặt tại Tam Đường, Lai Châu để làm rõ nghi án thành lập các “trạm trung chuyển” nhằm “rửa” nguồn gốc cá tầm nhập lậu.

“Rửa cá lậu”

Cáo giác được đưa ra bởi các thành viên Hiệp hội các nhà nuôi cá nước lạnh Việt Nam sau một cuộc điều tra được nói là có các bằng chứng vi phạm rõ ràng. Cuối tuần trước thông tin đã được chuyển trực tiếp tới Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám và lập tức Đoàn thanh tra Tổng cục Thủy sản được cử vào cuộc.

Trại cá bị cáo giác trung chuyển cá tầm lậu tại Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: Đ.H

Trại cá bị cáo giác trung chuyển cá tầm lậu tại Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: Đ.H

“Nếu thủ đoạn này không được ngăn chặn thì cá tầm Trung Quốc nhập lậu sẽ nghiễm nhiên có “hộ chiếu” Việt Nam, “khai tử” luôn các trại cá của các chủ nuôi trong nước và người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác ngoài cá tầm Trung Quốc”, “người đương thời” Trần Yên, người "mở hướng" nuôi cá tầm tại Tam Đường bức xúc cho biết.

Cụ thể, cáo buộc của Hiệp hội các nhà nuôi cá nước lạnh cho rằng, để đối phó với  lực lượng chống buôn lậu, thương nhân Trung Quốc đã tìm cách cấu kết với một số người Việt mở các trại cá tại Việt Nam. Trước mắt, các trại cá này sẽ đóng vai trò là “trạm trung chuyển” nhằm “rửa” nguồn gốc cá tầm nhập lậu, về lâu dài, họ sẽ xuất khẩu luôn công nghệ làm cá tầm giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam. Sự thực, theo điều tra của các thành viên Hiệp hội này, một trại cá “trung chuyển” vừa được mở tại Tam Đường  ngay bên cạnh trại cá của ông Yên với cá giống và các “kỹ sư” nuôi cá đều có nguồn gốc từ bên kia biên giới.

Như đã phản ánh, tình trạng buôn lậu cá tầm và các loại thủy sản nước ngọt khác bùng phát đã khiến loại thực phẩm vốn chỉ được biết đến tại các nhà hàng bỗng chốc tràn ngập ngoài chợ. Giá cá tầm Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/2 giá cá nuôi tại Việt Nam (120.000 đồng/kg so với 200.000-250.000 đồng/kg). Cho đến thời điểm hiện tại, các chủ trại cá Việt Nam cũng chưa thể cắt nghĩa được họ cho cá ăn gì để có được mức giá rẻ một cách đáng ngờ nói trên.

Vi phạm CITES

Trước đó, ông Đỗ Quang Tùng - Giám đốc Cơ quan quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam khẳng định, hiện nay ở khu vực phía Bắc, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam mới chỉ cấp phép cho một doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm giống và trứng cá tầm.

Riêng với cá tầm thương phẩm, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam chưa hề cấp một giấy phép nào để nhập khẩu vào Việt Nam. “Do vậy, tôi có thể khẳng định tất cả cá tầm thương phẩm nhập vào Việt Nam đều là cá tầm nhập khẩu phi pháp” - ông Tùng nhấn mạnh.

Công ty Việt Đức - doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu cá tầm giống mà ông Tùng đề cập - xác nhận, trại cá tại Tam Đường này chưa hề mua cá tầm giống của Công ty. Tuy nhiên, trong ao nuôi tại trại này đang có sản lượng gần 20 tấn cá.

Theo các thông tin ban đầu từ Đoàn thanh tra, chủ trại cá này viện dẫn Quyết định 57 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về danh mục các giống cá nước lạnh được phép nuôi trồng, trong đó có “cá tầm Trung Hoa”. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đây là lập luận không có cơ sở. Vì chiểu theo Quyết định 57, chủ trại cá có thể được miễn giấy phép của Tổng cục Thủy sản khi tiến hành nuôi trồng nhưng không vì thế mà được bỏ qua các thủ tục bắt buộc theo CITES về thông quan và kiểm dịch.

Như vậy, đúng như khẳng định của ông Đỗ Quang Tùng, kể cả được nuôi ngay trong nội địa Việt Nam mà cá giống không rõ nguồn gốc thì thực ra cũng chỉ là cá nhập lậu mà thôi. Đây chính là cơ sở để các cơ quan chức năng triệt để xử lý ẩn họa “Trung Quốc hóa” trại cá tầm Việt Nam.

Ông Trần Cao Mưu – Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam:

Phải có chiến lược xử sự với âm mưu phá hoại nông nghiệp Việt Nam

Thực ra, từ lâu đã lộ rõ một âm mưu phá hoại sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ riêng cá tầm, mà chúng ta có thể thấy từ gà thải loại cho đến móng trâu, đỉa, rễ sim… và đủ thứ bất thường khác.

Riêng với nghề cá tầm, đây là một nghề mới ở Việt Nam và khi chúng ta bắt đầu  khẳng định là chúng ta có thể làm được thì họ bắt đầu lên kế hoạch triệt tiêu. Chúng tôi khẳng định là mọi động thái của họ đều nằm trong một chiến lược đã được vạch sẵn, có chủ trương rõ ràng chứ không hề tự phát hay mang tính tình huống.

Không quá khi nói họ muốn giết chết nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng nhìn thẳng vào sự thật để có thể đề ra được hẳn một chiến lược ứng phó với chiến lược phá hoại của họ.

 
Theo Đức Huy
Pháp luật Việt Nam