Căng thẳng mới về thương mại Trung - Mỹ

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez tuyên bố việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ là trở ngại hàng đầu, phá hoại quan hệ thương mại giữa 2 nước.

Tuyên bố trên của ông Gutierrez đã châm ngòi cho cuộc tranh chấp thương mại mới, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa hai nước đang căng thẳng do vụ tranh chấp về hàng dệt may vẫn chưa được giải quyết.

Ông Gutierrez cho biết những vi phạm của Trung Quốc đối với bản quyền của các công ty phần mềm, âm nhạc và điện ảnh của Mỹ đã gây thiệt hại cho các công ty này tới 3,8 tỷ USD mỗi năm.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ nhấn mạnh Mỹ không thể chấp nhận việc Trung Quốc lạm dụng nghiêm trọng các quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và khẳng định đây là vấn đề không thể thương lượng.

Tại Washington, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick cũng cảnh báo Mỹ có thể đưa vấn đề Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Mỹ có đầy đủ bằng chứng để WTO có thể phán quyết các trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, đáp lại các tuyên bố của phía Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Trung quốc Bạc Hi Lai khẳng định việc Mỹ phát động các cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc là không công bằng và cảnh báo Mỹ không nên gắn cuộc chiến thương mại này với yêu sách đòi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ.

Cùng ngày, liên quan đến vụ tranh chấp hàng dệt may, bản tin Kinh doanh tối của kênh truyền hình PBS (Mỹ) đưa tin ông Bạc Hi Lai đã cảnh báo Trung Quốc đang cân nhắc việc có nên thực hiện cam kết của nước này với WTO về việc tiếp tục mở cửa thị trường nông sản và dịch vụ hay không nếu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục hạn chế hàng dệt may của Trung Quốc.

Ông Bạc Hi Lai cho biết với kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ lên tới 7,7 tỷ USD/năm, Trung Quốc là một trong những khách hàng mua nông sản lớn nhất của Mỹ vì vậy nếu bị Trung Quốc trả đũa, các nhà xuất khẩu nông sản Mỹ sẽ thiệt hại lớn.

Trong một diễn biến khác, ông Bạc Hy Lai nói rằng nước này sẽ không gắn vấn đề hàng dệt may với việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ vì điều đó không thích hợp và việc cố tình gắn hai vấn đề này với nhau sẽ càng làm phức tạp thêm cuộc tranh cãi vốn căng thẳng từ bấy lâu nay.

Ông nhấn mạnh việc Mỹ và EU ép Trung Quốc giảm xuất khẩu hàng dệt may chính là một hành động bảo hộ mậu dịch và chỉ có hại cho tiến trình thảo luận về tự do hoá mậu dịch nói chung. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ đề nghị của một số thành viên WTO về việc ký kết một thoả thuận mới trong vấn đề này.

Tuổi trẻ (Theo THX, VNA)