Càng cận Tết, coi chừng bị "móc túi" vì nạn “cân điêu”

Dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 đến gần, người người tất bật sắm sửa các mặt hàng cho Tết. Đây cũng là khoảng thời gian “vớ bẫm” của không ít chủ hàng, nhất là khi họ gian dối, dùng loại “cân điêu” để bán hàng cho khách.

“Cân điêu” trở nên phổ biến

 

Trong quá khứ, khi loại cân sắt xách tay còn thịnh hành, “cân điêu” đã trở thành một vấn nạn, trong đó những người bán có thể dùng “chiêu” ấn ngón tay về phần đĩa hoặc gá thêm con ốc vào để ăn gian vài lạng.

 

Từ cân sắt xách tay trong quá khứ...
Từ cân sắt xách tay trong quá khứ...

 

...tới cân đĩa đồng hồ hiện nay, đều bị những tiểu thương gian dối dùng chiêu để cân điêu
...tới cân đĩa đồng hồ hiện nay, đều bị những tiểu thương gian dối dùng "chiêu" để cân điêu

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Tới giờ, cân đĩa đồng hồ đang là loại phổ biến được sử dụng từ hàng bán rong cho tới hàng chợ, và “công nghệ” chế cân chuẩn thành cân điêu cũng tinh vi hơn. Dường như những người bán hàng rong hay hàng chợ nào khi chuẩn bị “hành trang” buôn bán cũng đều gõ cửa “dịch vụ” chế cân điêu để còn ăn thêm lời lãi.

 

Chẳng hạn ở đoạn đầu đường Láng (gần Ngã Tư Sở), nhiều hàng bán rong hoa quả thường hay tập trung và thu hút sự quan tâm của dòng người di chuyển qua đây. Phóng viên đã đi qua 3 hàng khác nhau để mua táo, quýt và ổi. Điểm chung là những người bán hàng nơi đây luôn miệng khẳng định “cân chuẩn, đảm bảo, yên tâm”. Tuy nhiên, khi mang về cân lại thì cả 3 hàng đều cân thiếu, ít nhất là 1,5 lạng và hàng ăn gian nhiều là 3 lạng.

 

Như vậy, người bán hàng đã dễ dàng đút túi bất chính từ 10.000 đồng tới 20.000 đồng hoặc hơn nữa, và khách mua càng nhiều thì càng bị mất oan tiền.

 

Tương tự, tại chợ đầu mối Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), các hàng bán gia cầm ra giá 45.000 đồng/kg cho vịt, 60.000 đồng/kg cho ngan và gần 200.000 đồng/kg cho gà (tùy loại). Mức giá này rẻ hơn nhiều so với ở các chợ cóc bình dân khác, tuy nhiên, những người bán tại đây không quên nâng “gian” trọng lượng từ 3 lạng trở lên, bởi trọng lượng gia cầm thường ít nhất là 2kg, khiến người mua khó nhận thấy sự chênh lệch giữa trọng lượng thật với trọng lượng… đo bằng cân điêu.

 

Vậy là người bán đã có thể ăn gian từ 15.000 đồng tới 30.000 đồng trên mỗi con vịt/ngan/gà bán ra, giá bán và trọng lượng càng cao thì số tiền gian lận này sẽ càng lớn.

 

Cô Phạm Thị Lụa (Bách Khoa, Hà Nội) chia sẻ: “Khi đi chợ, thường mình cũng chỉ biết cách ước lượng tương đối xem cân chuẩn hay không mà thôi. Nói chung, mua của hàng quen thì yên tâm hơn, vì những hàng ngồi cố định, bán thường xuyên thì họ không dám ăn gian. Kể cả khi có họ có dùng cân điêu thì cũng biết ý cân dôi lên vài lạng cho mình. Còn đã mua ở hàng rong, xe thồ thì xác định luôn là hiếm khi được cân đủ”.

 

Lúc trước, nhiều bài báo đã phản ánh về loại dịch vụ “chế cân chuẩn thành cân điêu” rất phổ biến mà bất kỳ người bán hàng nào cũng có thể liên hệ và thuê làm. Chỉ phải bỏ ra từ 20.000 đồng tới 50.000 đồng là người bán đã biến chiếc cân “lành lặn” của họ thành cân điêu với trọng lượng ăn gian tùy thích. Nguy hiểm hơn là sự phổ biến của loại dịch vụ này vô hình khiến người bán hàng luôn có tâm lý trong đầu rằng “đã ra chợ là phải… có cân điêu”.

 

Càng gần Tết Nguyên đán, lượng mua bán hàng hóa trở nên nhộn nhịp hơn hẳn bình thường, và đây chắc chắn là cơ hội để những tiểu thương gian dối tha hồ kiếm lời bất chính.

 

Không thiếu cách đơn giản để đối phó với “cân điêu”

 

Có lẽ vấn nạn cân điêu trở nên phổ biến như hiện nay một phần vì cơ chế xử phạt chưa đủ tính răn đe, một phần bởi chính người tiêu dùng cũng không hoàn toàn có ý thức đầy đủ về quyền lợi của mình.

 

Thậm chí, có người tiêu dùng khi được hỏi còn cho rằng “chắc ăn gian được vài nghìn đồng chứ mấy”, trong khi họ không nghĩ tới việc bị “móc túi” trắng trợn hàng ngày, hàng giờ và hành vi gian dối này mang về món hời không nhỏ cho những tiểu thương bất chính.

 

Tất nhiên, số đông người tiêu dùng đều ủng hộ việc buôn bán công bằng, phân minh. Trên các diễn đàn xã hội, một số người tiêu dùng có kinh nghiệm đã chia sẻ những mẹo vặt rất đơn giản để khách hàng không dễ dàng trở thành nạn nhân của việc cân điêu.

 

“Nếu đi du lịch hay lúc mua hàng mà không có gì để kiểm chứng cân, thì mình dùng mẹo cầm theo một chai nước khoáng 500ml. Sau khi cân xong, đặt chai nước lên cân, tương ứng là 5 lạng, nếu có chênh lệch gì thì biết ngay, cứ thế tính tỷ lệ ra để trừ tiền ăn gian”, một người dùng chia sẻ “bí kíp” thú vị.

 

Trong khi đó, chị Bích Thảo (Trường Chinh, Hà Nội) lại có cách khác thú vị không kém, khiến những người bán hàng ăn gian phải… đầu hàng.

 

Chị Thảo cho hay: “Mình mua một chiếc cân cầm tay rất nhỏ xinh, giá có 50.000 đồng, dễ dàng đút vào túi hay cốp xe. Đi đâu, mua gì, mình cũng mang ra, rất tiện lợi mà người bán hàng không thể nào cãi được. Xuống chợ đầu mối mua ngan hay cá, mình cân xong, thấy giảm được 3 lạng, thế là bao nhiêu khách phía sau đều nhờ cân của mình cả đấy!”

 

Rõ ràng, cân điêu đang “móc túi” rất nhiều khách hàng, nhất là vào dịp buôn bán nhộn nhịp hiện nay. Trang bị cho mình những kỹ năng, cách thức để đối phó với vấn nạn này là người tiêu dùng đã không chỉ bảo vệ quyền lợi cho mình mà còn góp phần nâng cao sự minh bạch, công bằng trong cuộc sống thường ngày.

 

Theo Nguyễn Trung Hiếu

An ninh Thủ đô
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”