Cảng biển Việt Nam thành bãi rác của thế giới: Loay hoay và nhập nhèm
Từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm phương án ngăn chặn tình trạng nhập rác thải công nghiệp vào VN. Xử lý hơn 5.000 container vô chủ tại các cảng biển là nhiệm vụ trước mắt nhưng cần hơn là một cơ chế chặt chẽ để chặn đứng tình trạng biến cảng biển VN thành “bãi rác thải công nghiệp của thế giới”.
Nhiều container han gỉ vì gần 10 năm phơi mưa nắng tại cảng. Ảnh: V.H
Nhập nhèm phế liệu - rác thải
Pháp luật cho phép nhập khẩu phế liệu và nghiêm cấm các hành vi nhập rác thải công nghiệp. Tuy nhiên đại diện các cơ quan chức năng vẫn tỏ ra khá lúng túng khi định lượng, định tính tỉ lệ “rác” bao nhiêu trong một lô hàng thì được coi là rác thải.
Tại hội thảo phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu do Cục Cảnh sát môi trường tổ chức tại Hải Phòng (2010), ông Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng: “Nhu cầu về nguyên liệu sản xuất ngày càng tăng nhanh thì việc nhập khẩu nguyên liệu, phế liệu là giải pháp buộc phải lựa chọn vì nguồn trong nước không đủ. Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh phế liệu. Tuy nhiên, không ít DN lợi dụng chính sách này để nhập khẩu hàng hóa không bảo đảm vệ sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường”.
Giai đoạn từ 2006-2011 là thời hoàng kim của nghề tạm nhập tái xuất hàng phế liệu ở Hải Phòng. Kinh doanh mặt hàng này được coi là siêu lợi nhuận bởi không mất tiền mua (thậm chí còn được thêm tiền vì các nước phát triển sẵn sàng chi thêm tiền để đẩy rác thải đi). Điểm đến của mặt hàng này thường là thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó cũng có lượng hàng không nhỏ nhập về VN dưới hình thức nhập phế liệu nhưng thực chất là rác thải công nghiệp, trong đó có nhiều loại rác đặc biệt nghiêm trọng như ắcquy chì, linh kiện điện tử đã qua sử dụng…
Mới giải quyết phần ngọn
Trả lời Lao Động, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, về vấn đề hơn 5.000 container tồn đọng tại các cảng biển, trong đó chủ yếu là Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu xem xét để có cơ chế giải quyết. Bộ GTVT sẽ tích cực tham gia cùng Bộ Tài chính để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Còn ông Cao Trung Ngoan - PTGĐ Cty CP cảng Hải Phòng cho biết: “Cần một cơ chế đặc biệt để giải quyết số hàng tồn đọng trên. Thông tư 15 của Bộ Tài chính về xử lý hàng tồn đọng có hiệu lực từ 1.4.2014 nhưng việc thực hiện thông tư này gặp nhiều vướng mắc về kinh phí”.
Hơn 5.400 container tồn đọng tại cảng biển VN thuộc 8 nhóm hàng: Caosu, lốp ôtô đã qua sử dụng, sắt thép phế liệu, quần áo, linh kiện điện, thiết bị điện, đồ điện tử đã qua sử dụng. Được biết, trong phương án trình Chính phủ của Bộ Tài chính có tính tới phương án cho phép một số DN trong nước được mua lại các container phế liệu.
Cần phương thuốc đắng
Ông Nguyễn Nhật - Cục trưởng Cục Hàng hải - cho rằng, cần kiên quyết tháo gỡ các vướng mắc, không để xảy ra tình trạng giải quyết xong số container đang tồn đọng này sang năm lại có hàng ngàn container khác nhập về. Để giải quyết tận gốc tình trạng nhập rác công nghiệp về VN, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan đang sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Hàng hải, Luật Thương mại để ngăn tình trạng lợi dụng chuyên chở chất thải vào VN.
Theo một cán bộ hải quan, một trong những “bài” mà DN làm ăn gian dối hay thực hiện, các cơ quan chức năng biết nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý là: DN vận chuyển hàng hóa vi phạm vào VN dưới hình thức ký hợp đồng nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất sang nước thứ 3 (chủ yếu là Trung Quốc).
Nội dung hợp đồng, thủ tục khai báo hải quan đều thể hiện là những mặt hàng hợp pháp nhưng thực chất bên trong container là phế thải. Khi lực lượng chức năng phát hiện, đơn vị tiếp nhận lô hàng lập tức có công văn từ chối nhận hàng. Việc xử lý các đơn vị xuất khẩu chất thải công nghiệp ở nước ngoài không thể thực hiện được vì hầu hết là những DN “ma”. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ “xuất khẩu” rác thải công nghiệp sang VN hoặc nước thứ 3, chúng xóa mọi dấu vết khiến lực lượng chức năng (kể cả Interpol) khó lần ra địa chỉ để xử lý.
Sự thông thoáng trong thủ tục hải quan đối với hàng tạm nhập tái xuất thời gian qua vô tình tạo kẽ hở cho các DN “lách luật” ồ ạt nhập hàng phế liệu, rác thải công nghiệp về VN rồi tái xuất sang Trung Quốc. Khi các thủ tục bị siết chặt, hàng nghìn container vướng quy định bảo vệ môi trường nên ách lại tại cảng biển VN. Được biết, trong thời gian tới Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Hàng hải, Luật Thương mại để ngăn tình trạng lợi dụng chuyên chở chất thải vào VN.
Theo Việt Hòa
Lao động