Cần tiền, “tướng" của ông Trần Đình Long chớp thời cơ bán cổ phiếu
(Dân trí) - Giữa lúc HPG tăng giá mạnh và đã tăng hơn gấp đôi so với đáy hồi tháng 3, ông Tạ Tuấn Quang, Thành viên HĐQT Hòa Phát tranh thủ bán ra cổ phiếu thu tiền mặt để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
Cú sụt mạnh đầu phiên chiều đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả giao dịch thị trường chứng khoán ngày 8/10.
VN-Index đóng cửa mất 0,88 điểm tương ứng 0,1% còn 918,84 điểm trong khi HNX-Index cũng đánh mất 0,52 điểm tương ứng 0,38% còn 135,61 điểm. UPCoM-Index giảm 0,42 điểm tương ứng 0,66% còn 63,53 điểm.
Thanh khoản trên thị trường vẫn ở mức cao dù lép vế hơn phiên trước đó, có tổng cộng 9.196,93 tỷ đồng đã được giải ngân trong phiên này.
Cụ thể, khối lượng giao dịch trên sàn HSX đạt 470,3 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch là 7.946,25 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 65,73 triệu cổ phiếu tương ứng 851,11 tỷ đồng và trên UPCoM là 26,94 triệu cổ phiếu tương ứng 399,57 tỷ đồng.
Phiên này, MSN tiếp tục diễn biến tích cực, tăng thêm 2.000 đồng lên 63.900 đồng và đóng góp cho VN-Index 0,67 điểm. Đây cũng là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. Bên cạnh đó, MWG cũng tăng 1.900 đồng lên 109.500 đồng; HPG, CTG, GVR, FPT, PNJ đều tăng giá.
Tuy nhiên, do số lượng mã giảm áp đảo so với các số lượng mã tăng nên các chỉ số vẫn bị kéo lùi trở lại. Có 440 mã giảm giá, 21 mã giảm sàn trên cả 3 sàn so với 315 mã tăng, 40 mã tăng trần.
Hơn nữa, nhiều mã lớn cũng đã chịu áp lực bán mạnh và giảm giá. SAB giảm 2.000 đồng xuống còn 188.000 đồng; BHN giảm 1.200 đồng còn 72.300 đồng; VNM giảm 1.100 đồng còn 106.900 đồng, TCB, VPB,VCB, VHM, VIC, PLX đều giảm.
Cổ phiếu ITA của Tân Tạo giữ vững vị trí “vua thanh khoản” với khối lượng khớp lệnh toàn phiên lên tới 29,39 triệu cổ phiếu. Mã này cũng tăng lên 5.290 đồng. Kế đến là STB với 21,33 triệu cổ phiếu khớp lệnh; STB với 21,33 triệu cổ phiếu khớp lệnh và ROS với 16,54 triệu cổ phiếu khớp lệnh.
Nếu STB và ROS giảm giá thì HPG lại tăng 1,1% lên 28.100 đồng và phần nào đã bù đắp được mức giảm của phiên 7/10.
Liên quan đến HPG, ông Tạ Tuấn Quang, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vừa đăng ký bán ra 900.000 cổ phiếu HPG trong khoảng thời gian từ 12/10 đến 11/11 trên cả hai phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Nếu kế hoạch này được thực hiện thành công thì ông Quang sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Hoà Phát từ 5 triệu cổ phiếu (tương ứng 0,16% vốn điều lệ) xuống còn 4,37 triệu cổ phiếu (tương ứng 0,13%).
Hoạt động bán ra cổ phiếu của ông Tạ Tuấn Quang trong bối cảnh HPG đã tăng giá mạnh trong thời gian qua, đạt đỉnh vào ngày 6/10 ở mức giá 28.250 đồng. So với mức thấp nhất thiết lập cuối tháng 3 thì hiện tại giá cổ phiếu HPG đã tăng gần 112%.
Ở mức giá hiện tại của cổ phiếu HPG thì ông Tạ Tuấn Quang có thể thu về được khoảng 25,3 tỷ đồng, một lượng tiền mặt không nhỏ để ông Tuấn “phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân” như trong bản công bố thông tin.
Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long trong nửa đầu năm vừa ghi nhận mức doanh thu thuần 39.655 tỷ đồng và lãi ròng 5.028 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 31% so với cùng kỳ.
Trở lại với thị trường chứng khoán, theo nhận định của Công ty chứng khoán MB (MBS), chỉ số VN-Index vẫn giữ xu hướng tăng ngắn hạn song nhà đầu tư cũng nên lưu ý khu vực này đang vướng vào đường xu hướng giảm kể từ năm 2018.
Vì vậy, thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiến về vùng giá này, áp lực bán sẽ tăng lên và những phiên rung lắc là điều không thể tránh khỏi.
Trong kịch bản tích cực, thị trường tiếp tục tích lũy đi ngang với thanh khoản trung bình và kéo dài thêm thời gian, đồng thời không có phản ứng sốc với diễn biến xấu bên ngoài.
“Quá trình tích lũy càng lâu thì năng lượng tăng càng khỏe. Trong quá trình này thì việc đua giá là không cần thiết mà chỉ nên mua dần khi giá giảm, hoặc đợi khi thị trường đột phá thật sự” - chuyên gia MBS khuyến nghị.