1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cần thị trường hóa nhà tái định cư

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã đưa ra quan điểm như vậy khi trao đổi với báo giới. Theo ông, tái định cư là việc cần thiết, nhưng với cách làm như hiện nay thì chẳng khác nào bắt buộc người ta vào ở.

Theo tôi các địa phương nên đa dạng các loại nhà tái định cư: Nhà sang trọng, trung bình, giá rẻ, được xây dựng tại nhiều khu vực. Người dân khi vào mua nhà tái định cư sẽ được ưu tiên lựa chọn và hỗ trợ tuỳ mức độ cụ thể của mỗi hộ khi họ phải di dời để giải phóng mặt bằng.

 

Tức là chúng ta sẽ phải hướng đến “thị trường hóa” nhà tái định cư và khi đó lợi ích của người dân sẽ được đảm bảo ở mức cao nhất?

 

Làm điều này, người dân tái định cư sẽ được làm chủ quá trình tái định cư của mình chứ không phải là “nạn nhân” của quá trình đó như cách làm hiện nay. Nhìn chung người dân tái định cư không bằng lòng với nơi ở mới, vì chỗ ấy không đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như điện, nước, trường học, nhà trẻ, chợ búa...

 

Người dân cũng không bằng lòng vì các nhà tái định cư không phù hợp với cách mưu sinh của họ. Thực tế, nơi ở của  nhiều người không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là địa điểm để kiếm sống.

 

Chất lượng các công trình tái định cư hiện có rất nhiều bất cập, theo ông  đâu là nguyên nhân?

 

Lẽ ra, chủ đầu tư phải là người bán hay cho thuê các các căn hộ tái định cư đó và có trách nhiệm  quản lý. Nhưng hiện nay, chủ đầu tư chỉ là một công ty xây dựng nào đó chứ không phải là công ty kinh doanh nhà ở.

 

Chủ đầu tư ở đây thực chất là Nhà nước (chính quyền) mà chính quyền lại không phải là người quản lý, kinh doanh sản phẩm nhà, nên đây chỉ là “ông chủ hờ”. Khi thực hiện dự án, họ không biết ai sẽ là người chủ sử dụng căn nhà này.

 

Họ không hề có ý nghĩ gì về khách hàng của mình mà khách hàng trong kinh tế thị trường là người có quyền thỏa thuận, lựa chọn về giá cả. Anh chỉ muốn xây xong rồi bán, giao hết còn khách hàng kiểu gì cũng phải nhận.

 

Thứ hai, về phía người thực hiện dự án (nhà thầu) sự giám sát chất lượng có khi chỉ là chiếu lệ, không thực chất, vì biết chắc thế nào cũng bán được. Hiện nay, người ta có chú ý hơn đến phần mỹ quan so với những chung cư trước kia, nhưng chất lượng thì vẫn kém, do bị rút ruột nên nhà bị thấm dột, lở trần, đường cấp thoát nước bị tắc, vỡ...

 

Hầu hết các nhà tái định cư đều chưa được kiểm định chất lượng

 

Ngày 22/5/2006 UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định “Hướng dẫn tổ chức kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng”.

 

Theo đó, các công trình xây dựng chung cư  sẽ phải được kiểm tra: An toàn về khả năng chịu lực của công trình ( thiết kế, biện pháp thi công, chất lượng vật liệu...)

 

An toàn sử dụng, khai thác vận hành công trình ( thang bộ, lối đi, ban công, khả năng chống thấm, cách nhiệt, cách âm, kính an toàn, hệ thống thang máy, điện, chiếu sáng, máy phát điện...)

An toàn về phòng cháy chữa cháy; An toàn về môi trường.

 

Nhà chung cư phải có giấy chứng nhận chất lượng công trình là căn cứ đưa công trình vào sử dụng.

 

Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết các nhà tái định cư đều chưa có giấy chứng nhận chất lượng công trình nhưng vẫn được đưa vào sử dụng. 

Hiện nay có một nghịch lý là, dù được ưu đãi nhiều nhưng suất đầu tư nhà tái định cư lên đến gần 4 triệu đồng/m2  mà chất lượng nhà lại không cao?

 

Suất đầu tư đưa ra trong dự án là như thế, nhưng thực sự có đúng thế không? Cần có cơ quan độc lập thẩm định. Về giá, thực tế, tôi chưa có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, ngay nhà cao tầng hiện tại, nhiều người nói với tôi thì thông thường chỉ hơn 2 triệu đồng/m2 phần xây lắp.

 

Nhưng nhiều người lý luận việc “thị trường hóa” nhà tái định cư chắc chắn sẽ làm đội giá các dự án và chi phí dự án sẽ tăng cao?

 

Sẽ không xảy ra chuyện đó được, mà trái lại nó đem đến nhiều lợi ích ở tầm quốc gia. Thứ nhất, người dân an cư thì mới lạc nghiệp. Còn nếu đưa dân vào chỗ không an cư, không lạc nghiệp cũng là thiệt hại cho nền kinh tế, cho xã hội.

 

Khi người dân không bằng lòng sẽ dẫn đến khiếu kiện, gây bất ổn xã hội. Nếu chúng ta có chính sách tái định cư công bằng, đúng đạo lý thì chính chúng ta đang làm lợi cho đất nước. Thứ hai, đối với đô thị thì những nhà tái định cư chất lượng tốt sẽ tồn tại ít nhất là đến giữa thế kỷ XXI chứ không phải mười, hai mươi năm.

 

Chúng ta đã có bài học nhãn tiền khi xây dựng các chung cư trước đây, chỉ sau 20-30 năm chúng ta đã muốn phá hết. Vậy, những nhà chất lượng kém sẽ tạo cho bộ mặt kiến trúc đô thị nhếch nhác, làm hư hỏng và làm xấu cảnh quan đô thị nhất là đô thị như thủ đô Hà Nội.

 

Vậy thì nhà tái định cư chất lượng tốt là có lợi hay có hại cho đất nước? Theo tôi, chúng ta nhất thiết phải tái định cư nhưng không nên có cách làm nhà tái định cư như hiện nay.

 

Xin cám ơn ông!

 

Theo Phùng Sưởng

Báo Tiền Phong