Cần thêm một gói kích cầu về đầu tư

Bên cạnh gói tín dụng 17.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, cần có thêm một gói kích cầu mới về đầu tư như đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật… Đây là cách kích cầu vừa mang tính chất kích cầu đầu tư vừa mang tính chất kích cầu tiêu dùng.

Cần thêm một gói kích cầu về đầu tư - 1

Ông Trần Du Lịch.

Theo nhận định của TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ quốc gia, việc sử dụng công cụ tiền tệ để chống suy giảm kinh tế đã gần hết công lực nên phải dùng công cụ tài khóa.

Đây là lúc Nhà nước phải dùng công cụ công chi để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tức là tăng bội chi ngân sách nhà nước. Trong điều kiện hiện nay, bội chi ngân sách có thể ở mức 7 - 8%, nhưng cần bơm vốn đúng chỗ để nâng cao tính hiệu quả.

Báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Lịch về vấn đề này.

Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất đã giải ngân khoảng 160.000 tỷ đồng, song có hiện tượng DN đã tìm cách tất toán nợ cũ, vay mới hưởng lãi suất ưu đãi. Điều này được cho là "đảo nợ" và như thế sẽ trái với chủ trương đưa ra. Ông nhận định như thế nào về vấn đề trên?

Theo tôi, gói kích cầu 17.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất được đưa ra trước hết là giảm áp lực về tiền mặt và giảm chi phí cho DN. Trong đó, có cả phần vốn NH cho vay lại sau khi DN tất toán nợ cũ. Tuy nhiên, cái này không phải là đảo nợ.

Có nghĩa, tổng lượng vốn ngắn hạn trong 1 năm vẫn không thay đổi; tín dụng duy trì năm trước qua năm sau chứ không phải chấm dứt rồi tăng thêm. DN cũng muốn giảm áp lực lãi suất trong hợp đồng cũ để vay mới, lãi suất thấp hơn mới có thể tái sản xuất - kinh doanh.

Chẳng hạn, một hợp đồng tín dụng thay vì đến cuối tháng 3 mới đáo hạn thì nay, DN tất toán nợ trước hạn và NH cho vay lại để tiếp tục phục vụ hoạt động, chứ không rút tiền về và DN được hưởng lãi suất thấp hơn.

Gói kích cầu Chính phủ đưa ra đã và đang dần phát huy tốt tác dụng, ảnh hưởng tích cực lên hoạt động của nhiều DN. Song với DN không có phương án và dự án kinh doanh hiệu quả thì việc tiếp cận vốn vay không phải là dễ dàng.

Có thể nói, giai đoạn hiện nay là một quá trình sàng lọc, DN làm ăn kém hiệu quả sẽ khó tồn tại. DN có chiến lược phát triển tốt sẽ tận dụng được thời cơ vươn lên.

Nhưng vốn hỗ trợ chỉ ngắn hạn, nhiều DN khó xoay xở kịp kế hoạch kinh doanh?

Việc hỗ trợ lãi suất chỉ được thực hiện trong 8 tháng (kể từ tháng 2/2008), vì đây là mục tiêu kích cầu ngắn hạn, nhằm ngăn chặn sức "ì" của DN. Về lý thuyết cũng như thực tiễn, kích cầu trong điều kiện suy giảm kinh tế phải thực hiện theo 3 nguyên nguyên tắc.

Thứ nhất là đúng thời điểm. Thứ hai là đúng đối tượng, tức người nhận tiền phải chi ra ngay. Thứ ba là ngắn hạn, tức phải xác định thời gian kích cầu trong ngắn hạn nhưng phát huy được tác dụng của nó.

Tôi hy vọng, Chính phủ sẽ sớm đưa ra một gói kích cầu mới là kích cầu đầu tư, tái cấu trúc kinh tế, cho vay hỗ trợ lãi suất trong thời gian 1 - 2 năm, giúp DN nhập khẩu máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ, xây dựng - phát triển sản phẩm…

Nếu gói kích cầu này được triển khai sớm và thực hiện có hiệu quả thì đây chính là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế. Cùng với gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, gói kích cầu đầu tư sẽ tạo sức bật cho DN đầu tư máy móc, thiết bị, phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Vì hiện cộng nghệ đang có giá rẻ, do đó tận dụng ngắn hạn để giải quyết vấn đề chiến lược trung - dài hạn.

Bơm tiền nhiều ra nền kinh tế cùng lúc có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát bùng phát, thưa ông?

Hiện nay, để chống suy giảm kinh tế thì sử dụng công cụ tiền tệ đã gần hết dư địa, mà phải dùng công cụ tài khóa. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải giữ thắng để phanh khi cần thiết thông qua các công cụ tiền tệ.

“Công chi như người nhấn ga, còn công cụ tiền tệ như người giữ thắng” để cho dòng tiền đi đúng và không tạo nguy cơ tái lạm phát. Nếu làm theo phương thức này, tôi tin rằng, năm 2009 lạm phát sẽ ở mức 7 - 8%.

Theo ông, việc NHNN nâng biên độ tỷ lên +/-5% sẽ tác động như thế nào đến thị trường và tâm lý người dân?

Nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ là điều hành tỷ giá linh hoạt dựa theo tín hiệu của thị trường. Để điều hành thế nào là linh hoạt thì cần hiểu được tín hiệu thị trường, do đó phải mở rộng dư địa cho thị trường thực hiện.

Với biên độ dao động trước đây thì dư địa lên xuống trong mua - bán ngoại tệ của các ngân hàng đụng trần, giờ việc nới thêm biên độ sẽ có tín hiệu chính xác hơn và NHNN dựa vào đó để điều chỉnh.

Ngày đầu tiên áp dụng biên độ mới có thể thị trường hơi sốc, nhất là trên thị trường tự do, nhưng thực tế sau đó đã dịu xuống.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế hiện nay, Việt Nam cần phải phá giá đồng nội tệ theo hướng có lợi cho xuất khẩu. Xin cho biết nhận định của ông về vấn đề này?

Quan điểm của tôi là không nên phá giá đồng nội tệ, vì phá giá đồng tiền sẽ làm bất ổn vĩ mô. Trong khi đó, tình hình hiện nay là cần ổn định vĩ mô, mà yếu tố quan trọng nhất là ổn định tiền tệ. Nhưng không có nghĩa là trói buộc, mà điều hành linh hoạt dựa trên diễn biến thực tế của thị trường.

Về cung - cầu và khả năng cân bằng ngoại tệ, tôi cho rằng, năm 2009 Việt Nam đủ sức thực hiện, không có chuyện mất cân bằng để ảnh hưởng tỷ giá. Tỷ giá vẫn trong vòng kiểm soát.

Thực tế, trong năm qua, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu; xuất khẩu, giải ngân FDI giảm; du lịch và FII đã và sẽ còn giảm, nhưng không ảnh hưởng đến cung - cầu ngoại tệ. Do đó, năm 2009, việc cân bằng ngoại tệ sẽ tiếp tục ổn định.

Theo Vân Linh
Đầu tư Chứng khoán