1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cẩn thận khi dùng tiền polymer!

Anh Nguyễn Quang Huy (phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vì tờ tiền polymer mệnh giá 500.000 đồng, số seri IE 03486788 bị dính mực nên anh đã thử lấy cồn lau nhẹ, không ngờ các chữ số và hình ảnh phai hết, không thể nhận ra và khi anh đem tiêu cũng không ai dám nhận.

Sợ là tiền giả, anh Huy lấy ra soi lên bóng đèn theo như hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước thì thấy các tia phát quang tại cửa sổ trong suốt và có những yếu tố hoàn toàn của một đồng tiền thật 100%.

 

Đồng tiền polymer bị nhoè nếu đem ra ngân hàng sẽ được đổi lại tiền mới, nhưng bị trừ 3% do hành vi vô tình làm hỏng đồng tiền.

 

Các trường hợp cố tình huỷ hoại đồng tiền Việt Nam sẽ bị tịch thu và có thể bị truy tố vì tội phá hoại đồng tiền quốc gia.

Lý giải về điều này, một quan chức Cục Phát hành và Kho quỹ của Ngân hàng Nhà nước cho biết, cồn là hoá chất tẩy rửa và là một dung môi. Nếu dùng cồn lau sẽ phá vỡ kết cấu đồng tiền. Ngân hàng Nhà nước cũng đã khuyến cáo khách hàng không nên dùng cồn lau đồng tiền. Kể cả đồng tiền giấy nếu bị ngâm vào hoá chất cũng bị đánh bạc màu.

 

Cẩn thận khi dùng tiền polymer! - 1
  

Đồng tiền polymer 500.000 đồng ban đầu.

 

 

Cẩn thận khi dùng tiền polymer! - 2
  

Đồng tiền polymer 500.000 đồng sau khi bị lau bằng cồn.

 

 

Từ khi đồng tiền polymer ra đời (1/9/2004), hệ thống ngân hàng một năm đầu cũng chưa thu phí đổi tiền polymer bị hỏng. Nhưng bây giờ, những đồng tiền polymer cũ, hỏng khi đổi lại sẽ bị thu phí.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước, khác với các loại nhựa thông dụng, giấy nền polymer được sản xuất theo quy trình công nghệ đặc biệt, chuyên dùng cho in tiền. Có thể mô tả khái quát quy trình này gồm hai công đoạn: sản xuất phim và in phủ.

 

Ban đầu, một chất nhựa tổng hợp đặc biệt có nguồn gốc từ dầu mỏ được làm nóng chảy và thổi vào đó luồng khí nén có áp suất lớn để tạo ra màng nhựa mỏng dạng bong bóng. Khi hút mạnh không khí ra, màng nhựa này sẽ đi qua thiết bị đặc chủng và được cán phẳng thành phim trong suốt, có độ đàn hồi và kích thước hợp lý.

 

Tiếp theo, phim sẽ được in phủ bởi nhiều lớp hoá chất đặc biệt phù hợp với việc in tiền và tạo thành giấy nền polymer. Công đoạn này không những cài đặt các yếu tố bảo an tương tự như giấy in tiền truyền thống (hình bóng chìm, dây bảo hiểm...) mà còn tạo ra những cửa sổ trong suốt hai mặt (vùng không được in phủ), cho phép sử dụng công nghệ cao để cài đặt yếu tố hình ẩn, yếu tố chống giả đặc trưng của tiền polymer.

 

Mặc dù giấy nền polymer được sản xuất bởi công nghệ mới nhưng quá trình in tiền polymer vẫn sử dụng mực in và thiết bị, công nghệ như in tiền giấy truyền thống.

 

Mặt khác, giấy nền polymer không thấm nước và đồng tiền polymer còn được in phủ các lớp véc-ni bảo vệ nên đồng tiền không hút ẩm, chất lỏng hay các các tạp chất khác trong quá trình lưu thông, nhờ vậy, có thể làm sạch đồng tiền polymer bằng nước và lau nhẹ khi đồng tiền bị dính chất bẩn trên bề mặt.

 

Theo VietNamnet