Quốc hội báo cáo tiếp thu giải trình Luật Doanh nghiệp:

Cần quy định rõ cơ chế làm chủ của người lao động

(Dân trí) - Sáng nay, Chủ nhiệm Uỷ Ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã giải trình tiếp thu chỉnh lý một số vấn đề của Luật Doanh nghiệp tuy nhiên một số đại biểu còn băn khoăn, chưa thống nhất về quyền của người lao động và quy định thành viên trong Hội đồng Quản trị…

Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, có ý kiến đề nghị, tại Điều 1 bỏ nội dung: “Quy định nguyên tắc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH và công ty cổ phẩn”; nên quy định bằng Nghị quyết của Quốc hội.

 

Có ý kiến đề nghị bỏ: “quy định về công ty mẹ, công ty con” ra khỏi phạm vi điều chỉnh, vì đó là hình thức tổ chức kinh doanh, không phải loại hình kinh doanh, việc sử dụng thuật ngữ mẹ, con chưa chính xác. Ý kiến khác đề nghị, có nên đưa “tập đoàn kinh tế” vào phạm vi điều chỉnh của Luật hay không?

 

Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu và chỉnh sửa lại. Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế (sau đây gọi chung là doanh nghiệp).

 

Trong buổi thảo luận sáng nay, phần lớn các ý kiến tập trung vào các vấn đề số thành viên trong Hội đồng quản trị; quyền của người lao động trong doanh nghiệp…

 

Cần quy định rõ cơ chế làm chủ của người lao động

 

Về quyền của người lao động trong doanh nghiệp, Uỷ Ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Luật doanh nghiệp không quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người lao động. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, tại khoản 4, điều 9 của Dự án Luật đã quy định nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong vịêc đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm.

 

Các đại biểu cho rằng, quyền và nghĩa vụ của người lao động cũng như người sử dụng lao động trong doanh nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống của người lao động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế trong Bộ Luật lao động đã có những quy định chi tiết về vấn đề này.

 

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số đại biểu, Dự án Luật Doanh nghiệp quy định chưa rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người lao động.

 

Theo đại biểu Cù Thị Hậu tỉnh Phú Thọ: “Dự án Luật "mở" cho người sử dụng lao động có quyền tối đa, quyết định mọi việc, trong khi đó cơ chế làm chủ của người lao động trong doanh nghiệp không hề được đề cập đến. Vì thế, Luật cần quy định rõ cơ chế làm chủ của người lao động như thế nào để bảo vệ lợi ích cho họ”.

 

Nửa số thành viên trong HĐQT phải thường trú ở Việt Nam: thiếu khả thi

 

Về quy định có ít nhất một nửa số thành viên HĐQT phải thường trú ở Việt Nam. Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quy định như vậy là một yếu tố bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc và có quyết định đầu tư nghiêm túc vào nước ta; các nhà đầu tư có thể bổ nhiệm người nước ngoài, nhưng cũng có thể bổ nhiệm công dân Việt Nam là thành viên HĐQT của công ty.

 

Quy định đó còn giúp các cơ quan nhà nước có điều kiện thuận lợi hơn trong giám sát đối với các công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời, tạo điều kiện để công dân nước ta có thêm cơ hội tham gia HĐQT các công ty có vốn đầu tư nước ngoài”.

 

Không tán thành với ý kiến này, một số đại biểu cho rằng, quy định như vậy là không hợp lý, không khả thi. Đại biểu Nguyễn Thị Anh Nhân (đoàn Hà Nội) cho rằng quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho các công ty hoặc liên doanh nước ngoài. Vì những công ty 100% vốn nước ngoài bắt buộc phải có ít nhất 1 nửa số thành viên HĐQT phải thường trú ở Việt Nam. Nếu bắt buộc thuê người Việt Nam thay mặt họ là đại diện, như vậy quyền là người góp vốn của họ bị xâm phạm.

 

Luật Doanh nghiệp sẽ được thông qua trong kỳ họp này.

 

Đức Hoà - Hồng Hạnh