1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Cần ngăn cản những đồng tiền thoắt vào, thoắt ra”

(Dân trí) - “Phải làm sao có biện pháp ngăn cản những đồng tiền thoắt vào, thoắt ra”, “thà ít mà vững chắc còn hơn là cho vào ồ ạt, nhưng không kiểm soát được” - Đó là quan điểm về vấn đề thị trường chứng khoán của GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.

Thưa ông, thị trường chứng khoán đang “nóng” và đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm trong kì họp này?

 

Tôi không thích dùng chữ “nóng” để chỉ thị trường chứng khoán hiện nay. Ai cũng biết, thị trường chứng khoán có 2 mặt. Mặt tích cực là huy động được vốn nhàn rỗi trong dân. Nhưng sẽ rất tiêu cực nếu người ta coi chứng khoán như là một cái gì đó để đầu cơ, cho dù đó là bằng vốn của cá nhân để tìm đến cái lợi nhanh nhất. Tôi nghĩ là người đầu tư bằng chứng khoán thì rất ít so với những người muốn nhân chuyện này kiếm lời qua việc giá cổ phiếu tăng nhanh. Điều này rất nguy hiểm. Đấy là tôi chưa nói đến nếu bong bóng căng quá mà vỡ bất cứ lúc nào thì rất không tốt cho nền kinh tế.

 

Chúng ta đều thấy chỉ số của thị trường chứng khoán hiện tăng lên rất nhanh, trong lúc đó tính chất nền kinh tế Việt Nam chưa có gì thể hiện sự tăng nhanh như vậy. Chỉ trong mấy tháng thôi, trước khi ta vào được WTO đến giờ đã tăng lên gấp nhiều lần. Cho nên có sự mất cân đối giữa tốc độ tăng của nền kinh tế với chỉ số của thị trường chứng khoán.

 

Nhiều người lo ngại rằng, thị trường chứng khoán sẽ là nơi rất thuận lợi cho việc rửa tiền. Vậy, theo ông có cần đặt ra vấn đề, QH giám sát thị trường này?

 

Tôi nhớ khi xây dựng luật chứng khoán, lúc đó tôi cũng đã nêu vấn đề này, nêu ra 2 mặt tích cực và tiêu cực như tôi vừa nói. Khi đó tôi đã kiến nghị phải có biện pháp để có thể kiểm soát được trong một chừng mực nhất định sự tăng giảm của chỉ số chứng khoán…. và luật phải làm sao có biện pháp ngăn cản những đồng tiền thoắt vào, thoắt ra. Bởi đó là những đồng tiền mang tính chất đầu cơ. Lúc đó Chính phủ có nói là đã có nghiên cứu chỉ đạo ủy ban chứng khoán nhà nước có biện pháp để kiểm soát việc này.

 

Cũng xin nói,  khi Chính phủ nghiên cứu các biện pháp để kiểm soát thì có người lại cho rằng Chính phủ muốn kìm hãm luồng chứng khoán vào Việt Nam. Điều đó là không nên chút nào vì cần phải lường được mức độ nguy hiểm của một nền kinh tế bong bóng bởi đầu cơ chứng khoán. Sáng nay, trong báo cáo của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu các biện pháp kiểm soát thị trường chứng khoán.

 

Vậy chúng ta giám sát việc rửa tiền qua đây như thế nào?

 

Tôi nghĩ trước hết, Ủy ban chứng khoán là cơ quan có trách nhiệm đề ra các biện pháp, cơ sở trên tinh thần của luật chứng khoán. Trong luật cũng đã đề cập tới những nguy cơ cần phải kiểm soát.

 

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng giờ chưa phải lúc Nhà nước có thể can thiệp vào thị trường chứng khoán?

 

Thị trường chứng khoán với hai mặt tích cực và tiêu cực từ đầu tư chứng khoán, theo tôi nghĩ thà mình ít mà vững chắc còn hơn là cho vào ồ ạt nhưng không kiểm soát được. Biện pháp như thế nào thì Ủy ban chứng khoán phải đề xuất ra.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Cấn Cường (ghi)