Cần mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng về khu vực nông thôn
Nạn “tín dụng đen” hoành hành ở khu vực nông thôn, ngoài nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết của người dân, còn do khu vực nông thôn đang thiếu các kênh cho vay chính thống, nhất là nhóm dịch vụ cho vay tiêu dùng.
Trong thời gian qua, số lượng các vụ việc liên quan tới “tín dụng đen”, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự - xã hội ở nhiều địa phương. Tại Hội thảo "Thực trạng và giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen” do Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an tổ chức mới đây cho thấy, từ năm 2010 đến cuối tháng 7/2015, lực lượng Công an đã điều tra làm rõ và khởi tố hơn 5.800 vụ, hơn 10.880 bị can liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó có 41 vụ giết người, 301 vụ cố ý gây thương tích, 527 vụ cướp tài sản, 961 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.475 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản...; Đã bắt và xử lý 56 băng nhóm gồm 287 đối tượng đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật…
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nạn “tín dụng đen”, song chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết của người dân về hoạt động vay vốn, công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các vùng nông thôn còn yếu. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng thực trạng này còn do khu vực nông thôn đang thiếu các kênh cho vay chính thống, nhất là nhóm dịch vụ cho vay tiêu dùng, nhằm đáp ứng các nhu cầu đời sống cơ bản của người dân.
Đề cập vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng - ông Phạm Xuân Hòe thẳng thắn thừa nhận, cách phân bố hệ thống các tổ chức tín dụng ở Việt Nam hiện đang vừa thừa vừa thiếu. Trong khi có rất nhiều ngân hàng, công ty tài chính tập trung ở thành thị thì tại các khu vực nông thôn lại đang thiếu các chi nhánh, phòng giao dịch, cây ATM…, và đặc biệt còn vắng sự tham gia của khối các công ty tài chính.
“Nhu cầu vay tiêu dùng ở nông thôn rất lớn, nhất là vào các dịp lễ tết, cưới hỏi… nhưng mạng lưới công ty tài chính chưa thể phủ sóng hết tới đây. Điều này dẫn tới hệ lụy là nhiều người dân không vay được ở đâu thì họ vẫn phải tìm đến tín dụng đen”, ông Phạm Xuân Hòe cho biết.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, một trong những giải pháp đẩy lùi tín dụng đen là phải làm sao đẩy mạnh được mạng lưới cho vay tiêu dùng về tới các khu vực nông thôn, nhất là mở rộng hoạt động của khối các công ty tài chính.
“Trong việc lấp khoảng trống thị phần ở khu vực nông thôn, khối công ty tài chính có ưu thế rất lớn. Với quy mô tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, họ có thể mở các điểm giao dịch vươn tới các vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, đặc thù cho vay những món nhỏ lẻ theo hình thức lãi suất thương mại nhưng thủ tục lại đơn giản, nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp… rất phù hợp với năng lực tài chính của phân khúc người thu nhập thấp và người nghèo ở các vùng nông thôn. Do đó, các cơ chế chính sách cần khuyến khích nhóm doanh nghiệp này phát triển”, ông Phạm Xuân Hòe nêu ý kiến.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước từng đưa ra dự thảo Thông tư về quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính, tuy nhiên, cho đến nay vấn đề này vẫn chưa đi được đến kết luận cuối cùng. Câu chuyện tín dụng đen ở khu vực nông thôn một lần nữa cho thấy vai trò của việc mở rộng phạm vi hoạt động của các kênh cho vay chính thống. Ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cơ quan chức năng cần sớm xây dựng và kiện toàn khuôn khổ pháp lý để định hướng cho các công ty tài chính phát triển, có như vậy mới góp phần hạn chế sự hoành hành của nạn “tín dụng đen” hiện nay.
Đức Kiên