Căn hộ 20m2 cần hành lang pháp lý mới
(Dân trí) - Trái với việc “tuýt còi” căn hộ 20m2 của Sở Xây dựng TPHCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam lại ủng hộ vì căn hộ thực tế là một loại hàng hóa và diện tích ở là do người dân tự sắp xếp chứ không phụ thuộc vào cơ cấu căn hộ.
Một góc trong căn hộ mẫu 20m2 của Công ty Đất Lành giới thiệu (ảnh: SGTT).
“Vi phạm luật và kéo lùi chỉ tiêu của TPHCM”!
Mặc dù nhen nhóm từ lâu, nhưng các ý kiến khác nhau về xây dựng căn hộ diện tích nhỏ chỉ thực sự bùng phát vào cuối tháng 5 vừa qua khi Bộ Xây dựng chính thức có văn bản trả lời UBND TPHCM liên quan đến vấn đề này.
Theo đó, dựa trên đề xuất của Công ty TNHH địa ốc Đất Lành, Bộ Xây dựng khuyến nghị UBND TPHCM xem xét thí điểm loại căn hộ có diện tích nhỏ (từ 20 - 45m2) với một tỷ lệ hợp lý trong nhà chung cư thương mại. Đây sẽ là cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm, báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hiện hành cho phù hợp với thực tế.
Sau khi thông tin này được công bố, ngay lập tức đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau phản hồi. Trong đó, UBND TPHCM đã chính thức từ chối thí điểm mô hình trên với lý do diện tích loại hình căn hộ này không chỉ vi phạm Luật Nhà ở mà còn phá vỡ quy hoạch phát triển nhà ở bền vững của thành phố.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Sẽ tính đến việc sửa luật Căn hộ chung cư có diện tích 20 m2 phù hợp với nhiều người độc thân. Chủ đầu tư muốn bán được nhà thì phải làm nhà sao cho hợp với nhu cầu thị trường. Có thể tới đây luật Nhà ở sẽ được sửa đổi theo hướng không quy định cụ thể về diện tích căn hộ. |
Ngoài ra, Sở Xây dựng TPHCM cũng lo ngại khi triển khai loại căn hộ siêu nhỏ này sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy đối với sự phát triển của thành phố như: khuyến khích phát triển dân nhập cư, tăng quy mô dân số, tăng áp lực cho giao thông và hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội…
Ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng: “Thực tế số lượng người đơn thân sẽ thay đổi theo thời gian. Lúc mua căn hộ 20m2 thì họ độc thân nhưng vài năm sau họ có gia đình thì làm sao cấm họ đưa vợ, chồng vào ở chung!”.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến lo ngại phát triển các căn hộ diện tích nhỏ sẽ là điều kiện để hình thành những khu nhà ổ chuột trong tương lai…
Các nước phát triển cũng có căn hộ diện tích nhỏ
Theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc luật quy định diện tích căn hộ tối thiểu 45m2 như hiện nay chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của người dân.
“Rất nhiều đôi vợ chồng trẻ, những hộ sống độc thân… cần có nơi sống phù hợp với mức thu nhập và hoàn cảnh. Chỉ riêng con số 14% số người ở thành thị phải đi thuê nhà vừa công bố cũng đủ để thấy nhu cầu đó lớn tới mức nào” - Thứ trưởng Nam nhận định.
Lý giải về ý kiến sẽ phát sinh nhiều bất cập khi tăng dân số trong các căn hộ nhỏ, Thứ trưởng Nam đưa ra ví dụ: Một gia đình ở căn hộ 20 m2, người ta sẽ sinh con, như vậy căn hộ dành cho 2 người đã trở nên quá tải.
Nhưng nếu đặt ngược lại vấn đề, nếu không có căn hộ đó người ta có sinh con không? Vẫn sinh con và vẫn ở. Rồi đứa con lớn lên sẽ lập gia đình và nếu không có căn hộ nhỏ để họ chuyển đi thì vẫn phải ở nhà của bố mẹ.
“Rõ ràng tỷ lệ m2/người không phụ thuộc vào cơ cấu căn hộ, bởi diện tích ở là do người dân tự sắp xếp, khi có điều kiện tự họ sẽ chuyển ra ở chỗ rộng hơn” - ông Nam khẳng định.
Trên thực tế, ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Hồng Kông, Australia, Pháp, Mỹ… vẫn có căn hộ diện tích nhỏ tới 20m2, thậm chí còn nhỏ hơn. Với điều kiện và tiện nghi như đang có ở đó thì không thể gọi là khu ổ chuột được.
Theo ông Trần Như Trung - Giám đốc Nghiệp vụ bộ phận nghiên cứu Savills, không thể coi tất cả các căn hộ có diện tích nhỏ đều trở thành khu ổ chuột, bởi điều đó không hẳn phụ thuộc vào diện tích mà còn vào hoàn cảnh sống, công ăn việc làm, nền giáo dục…
“Tôi cho rằng, việc thử nghiệm xây căn hộ diện tích nhỏ của Bộ Xây dựng là việc làm tốt. Chúng ta đừng ứng xử một cách áp đặt, hãy để chính thị trường kiểm nghiệm và lên tiếng” - ông Trung nói.
Lan Hương