1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Căn cơ” ngày sắm tết

(Dân trí) - Chỉ cách nhau có vài bước chân nhưng không khí mua sắm Tết tại hai cửa hàng bán cùng sản phẩm của Công ty Bánh kẹo Hải Hà số 25 và 27 Trương Định đã khác hẳn nhau. Một bên chen chúc như xếp hàng thời bao cấp, một bên thưa thớt người qua lại...

Tại số 27 Trương Định, vất vả lách ra khỏi hàng người xếp chen chúc với hai tay trĩu nặng bánh kẹo, bà Thư ở ngõ 116 Trương Định ngồi bệt ngay ở cửa kiểm kê lại hàng theo mảnh giấy con con viết sẵn từ ở nhà.

Bà Thư cho biết đã phải xếp hàng gần 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt. “Xếp hàng lâu một tí nhưng mua được đúng giá và hàng chính hãng. Bên ngoài những gói kẹo như thế này cũng bán đầy, nhưng đắt hơn từ 2 đến 5.000 đồng, cứ mua thì tiếc lắm!”

“Tại sao bà không sang cửa hàng số 25 ở ngay bên cạnh mua cho đỡ phải xếp hàng như bên này?” Trả lời câu hỏi của chúng tôi, bà Thư: “Bên đó hình như bán toàn các sản phẩm cao cấp, chúng tôi không có đủ tiền mua”.

Sở dĩ bà Thư có suy nghĩ như vậy vì cửa hàng số 25 trong những ngày thường là nơi bán những sản phẩm bánh ngọt cao cấp của Công ty bánh kẹo Hải Hà với những chiếc bánh ga tô sinh nhật.

“Căn cơ” ngày sắm tết - 1


Bà Thư ngồi ngay giữa cửa để "kiểm kê" hàng.
 
Nay để phục vụ tết, cửa hàng số 25 cũng bán thêm những sản phẩm bánh kẹo như cửa hàng số 27, thế nhưng như đã thành “ấn tượng”, dòng người ở cửa hàng số 27 càng cận tết càng nối dài thì cửa hàng số 25 dường như không hề “có tết” vì rất nhiều người cũng có chung suy nghĩ như bà Thư: Không dám đặt chân đến những nơi “đắt tiền”, dù chỉ là... hình như!
 
“Không dư giả gì khi đi sắm Tết nên phải xem xét kỹ lắm, thôi mình mất thời gian một chút nhưng kiệm được tiền!” - anh Tiến Hùng, đến từ Văn Giang, Hưng Yên vừa buộc hai thùng các-tông đựng bánh kẹo vào xe máy, vừa bảo như vậy.
 
Cùng chung tâm trạng “kiệm tiền”, dòng người đến Hàng Ngang, Hàng Đào trong 3 ngày qua đã tăng đột biến. Tại tất cả các sạp hàng đại hạ giá, người mua phải đỏ mặt tía tai chen lấn xô đẩy mới được tiếp cận mặt hàng. Mặt hàng đại hạ giá chủ yếu là quần áo, khăn mũ len...
 
“Căn cơ” ngày sắm tết - 2

 
Láo nháo mua hàng đại hạ giá ở phố Hàng Đào.

Giữa đám đông chen chúc, âm thanh quen thuộc mà du khách thường nghe được là những tiếng than thở của nhiều người phụ nữ: “Cái áo thun mỏng dính này mà những 120.000 đồng thì đại hạ giá gì”; “Quần bò 90.000 đồng không cho thử về không vừa thì làm thế nào?”...

“Em ở Hà Tây ra, nghe đồn cứ đến dịp tết là phố Hàng Ngang, Hàng Đào bán nhiều quần áo đại hạ giá lắm nên ra mua. Dù gì mua được cái áo ở trung tâm Thủ đô về khoe thì cũng oách hơn” - bạn Nguyễn Thị Ngoan (Thạch Thất Hà Tây) vừa giở hai chiếc áo len “chiến lợi phẩm” vừa khoe như vậy.

“Căn cơ” ngày sắm tết - 3

 
Chăm chú nâng lên đặt xuống tìm hàng còn "mốt".

Và cứ như thế, ngày cũng như đêm, dòng người nườm nượp vẫn đổ về đây để mua hàng. “Sắp đến Tết rồi, cũng phải có cái gì mới cho mình chứ!” - anh Hưng, ngõ 210 Hoàng Văn Thái nhận xét.

Anh Hưng kể: Thà mua đại hạ giá, lỗi mốt còn hơn mua những đồ mà như bị “mất cắp” tiền. Như chiếc áo măng tô hai anh em anh Hưng mua của công ty MVT, cái trước cách cái sau chỉ khoảng một tháng, giống hệt nhau mà cũng chênh nhau đến 100.000 đồng...

Nguyễn Hùng