Cần có một cái nhìn mới về châu Á
Châu Á, một thị trường mở hết sức thành công, đó là lời phát biểu của ông Peter Mandelson - Cao ủy Thương mại EU tại cuộc họp Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thường niên tổ chức tại Philippines vừa qua. Ông kêu gọi Châu Âu cần có một cái nhìn mới về Châu Á.
Trên khắp châu Á, các nền kinh tế tham gia tích cực vào thị trường toàn cầu đang đem lại mức tăng trưởng mà châu Âu già cỗi chỉ có thể mơ tới. Cũng chẳng có nơi nào trên trái đất này lại có những thị trường mở cửa và tự do thương mại thành công đến vậy trong việc nâng đỡ biết bao nhiêu người thoát khỏi đói nghèo và làm chuyển biến xã hội.
Xuất khẩu của ASEAN sang Liên minh châu Âu (EU) đã và đang tăng trưởng với những con số kép theo từng năm. Nhiều người châu Âu, đặc biệt là những người cảm nhận được thách thức cạnh tranh này rõ rệt nhất, hiểu rằng, châu Á chính là toàn cầu hóa.
Nói vậy không phải để phủ nhận rằng, các nước châu Á và ASEAN không hề đối mặt với những thách thức to lớn trong phát triển, hay chí ít là thách thức về quản lý quá trình công nghiệp hóa luôn song hành với tăng trưởng kinh tế. Thay đổi nhanh chóng về xã hội và kinh tế mang tới những chi phí về sự điều chỉnh cũng như sức ép của sự thay đổi.
Châu Âu, về phần mình, chưa thích nghi đủ mức nhanh nhạy trước thay đổi này ở châu Á cũng như thách thức mà thay đổi đó đem tới. Trong nhiều lĩnh vực, châu Âu vẫn còn áp dụng chính sách của thế kỷ XX cho một châu Á trong thế kỷ XXI. Một trong những cam kết đầu tiên của tôi khi được chỉ định làm Cao ủy Thương mại EU (năm 2004) là làm thay đổi điều này.
Châu Á mời gọi châu Âu với hai thách thức. Thách thức thứ nhất mang tính tâm lý. Sự nổi lên nhanh chóng của châu Á là một thách thức cạnh tranh đối với châu Âu và điều này thường được đón chào với sự lo lắng. Những lợi thế tự nhiên về chi phí thấp của châu Á trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động gây nên sức ép lớn đối với những nhà sản xuất châu Âu trong cùng lĩnh vực.
Tôi không chia sẻ quan điểm với những người coi sự tăng trưởng của châu Á là mối đe dọa đối với châu Âu.
Là nhà xuất khẩu và đầu tư lớn nhất thế giới, châu Âu cần tự tin hơn về tiềm năng và năng lực của mình trong việc quản lý sự thay đổi và duy trì khả năng cạnh tranh. Tôi coi thách thức mang tính cạnh tranh ngày một tăng của châu Á và thị trường mới, khổng lồ của lục địa này là một phương tiện giúp duy trì sức mạnh của châu Âu. Điều đó không làm đảo ngược sức mạnh của châu Âu.
Các doanh nghiệp châu Âu cần cảm nhận rõ, hàng hóa và dịch vụ của họ được tiếp cận một cách công bằng tới các thị trường châu Á. Họ cần biết rằng, quyền sở hữu trí tuệ của họ được tôn trọng.
Thách thức thứ hai liên quan tới chính sách và việc thực thi. Ở châu Á, thường tồn tại một cảm nhận rằng, châu Âu đã mất một thập kỷ hướng nội vừa qua, khi chỉ tập trung vào mở rộng liên minh. Điều này đúng trên nhiều khía cạnh. Thậm chí, ngay khi châu Âu đã nghĩ một cách nghiêm túc về những thay đổi ở châu Á, thì châu Âu thường vẫn tập trung quá nhiều vào Trung Quốc.
Sự tăng trưởng rất nhanh của Trung Quốc chi phối trí tưởng tượng của châu Âu. Và đương nhiên, Trung Quốc cũng là tiêu điểm của hầu hết các chiến lược thương mại và đầu tư mới tại châu Á.
Tuy nhiên, trải nghiệm tại Trung Quốc đang được lặp lại trên khắp châu Á và một trong những thách thức chủ chốt trên cương vị Cao ủy Thương mại EU là khuyến khích các DN châu Âu hướng nhiều hơn tới châu Á, thay vì chỉ nghĩ tới Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao Chiến lược mới giữa EU và ASEAN giờ đây vô cùng quan trọng. Mỹ đang theo đuổi các thỏa thuận mậu dịch tự do song phương trong khu vực. Khối ASEAN tự thân đã tăng cường mạng lưới thương mại nội vùng.
ASEAN đã bày tỏ tín hiệu với EU rằng, họ sẵn sàng nâng quan hệ thương mại giữa hai bên lên một tầm cao mới. Châu Âu cần sẵn sàng trước động thái này. Đó cũng chính là lý do tại sao trong năm 2005, EU và ASEAN đã thành lập Nhóm Tầm nhìn nhằm tìm ra những cách thức tăng cường quan hệ thương mại giữa hai bên, bao gồm cả khả năng về một khu vực mậu dịch tự do song phương.
Công việc ban đầu của Nhóm Tầm nhìn EU-ASEAN đã hoàn tất. Nhóm Tầm nhìn đưa ra khởi đầu tốt cho một thỏa thuận mậu dịch tự do trong tương lai và công việc của Nhóm đã gợi mở nhiều con đường rộng mở cho hợp tác chặt chẽ hơn nữa.
Theo Đầu tư