1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cam kết vốn ODA đạt hơn 4,4 tỷ USD

Với 4,45 tỉ USD viện trợ phát triển chính thức (ODA) được đưa ra hôm qua 15/12, các nhà tài trợ đã thể hiện cam kết tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2007.

Mức cam kết này tăng gần 700 triệu USD so với 3,7 tỉ USD được đưa ra tại hội nghị các nhà tài trợ (CG) năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay. “Con số khô khan nhưng chứa đựng sự chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Chính phủ và nhân dân VN” - Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói tại buổi bế mạc hội nghị.

Trong số các nhà tài trợ song phương, Nhật Bản ở vị trí dẫn đầu với mức cam kết 890,3 triệu USD. Đại sứ Nhật Bản tại VN Norio Hattori cho biết số tiền này sẽ ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng, cụ thể là tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, và bảo vệ môi trường.

Ưu tiên sử dụng vốn ODA trong thời kỳ tới sẽ là các công trình hạ tầng kinh tế có qui mô lớn như tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc Bắc - Nam, hệ thống xe điện ngầm ở TPHCM...

 

(Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết)

Pháp với vốn viện trợ cam kết lớn thứ hai trong các nhà tài trợ và đứng đầu khối EU là 370,4 triệu USD được sử dụng trong bốn lĩnh vực ưu tiên là giao thông đô thị, đường sắt, môi trường (quản lý nước và rác thải), phát triển nông thôn. Ngoài ra, các cam kết này cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động trong lĩnh vực y tế và hiện đại hóa ngành tài chính.

Trước nhiều thành tựu mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN Klaus Rohland đã nhắc nhở “không nên quá tự mãn vì những thành công như vậy”.

Theo ông Rohland, nhiệm vụ sắp tới của VN không đơn thuần dựa trên cơ sở tuân thủ cam kết WTO mà còn phải dựa vào chiến lược phát triển nhằm thực hiện đưa VN trở thành nước công nghiệp hóa đến năm 2020 - một mục tiêu “tham vọng nhưng có thể thực hiện được”.

Các nhà tài trợ nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy cải cách trong một số lĩnh vực: “quản lý kinh tế vĩ mô cần thận trọng hơn, cần đẩy mạnh cải cách các ngành từng được bảo hộ, cải tiến quản lý và giám sát hệ thống tài chính” - ông Lazaros, đại diện từ Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF), nói. Đảm bảo gắn kết xã hội cũng là vấn đề được các nhà tài trợ quan tâm nhằm đưa người dân tộc thiểu số, người vùng sâu, vùng xa hòa nhập vào con đường hội nhập của VN và tránh nguy cơ tụt hậu.

Về tốc độ cải cách, các nhà tài trợ nhất trí VN cần đẩy nhanh tốc độ. “Cách tiếp cận từng bước lâu nay vẫn thành công giờ đây không còn phù hợp nữa. VN đã bước sang giai đoạn phát triển mới, nếu không đi nhanh hơn các nước khác, VN sẽ bị tụt hậu” - ông Ayumi Konishi, giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khẳng định.

Ông Konishi đề cập việc tăng hiệu quả của cơ sở hạ tầng vốn có và xây những công trình mới để thu hút đầu tư nước ngoài: “Một nơi điện nước chập chờn và thủ tục xuất nhập khẩu rườm rà, mất thời gian so với một nơi có điện 24/24g trong suốt 365 ngày và thủ tục ngắn gọn. Chắc chắn các nhà đầu tư sẽ tính lại bài toán lợi ích kinh tế của họ”.

Theo Hương Giang
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm