1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cảm hứng ngàn tỷ, quạ đen sắp thành thiên nga?

Nhiều dấu hiệu cho thấy chứng khoán bước vào một đợt sôi động mới với nhiều phiên đón dòng tiền hàng nghìn tỷ đồng đổ vào. Nhưng liệu một lượng tiền mời có thể làm hồng hào lại thị trường để nỗi ám ảnh quạ đen sớm trở thành niềm vui của thiên nga.

Tìm lại cảm hứng nghìn tỷ

Sau một thời gian dài rơi vào “hôn mê” với rất nhiều lý do như “sell in May”, “tháng cô hồn”, “ngoại bán ra”, “margin”, “chơi kiểu gì cũng chết”… TTCK đang có những chuyển biến tích cực, những phiên giao dịch nghìn tỷ đã xuất hiện, thay vì cảnh vài ba trăm tỷ èo uột.

Sáng 1/10, tiếp tục đà đi lên của 8 phiên liền trước, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều gia tăng về mặt điểm số. VN-Index tạo đỉnh cao mới từ đầu tháng 9/2013 khi vượt lên trên mốc 495 điểm.

Tính trong gần 2 tuần qua, HNX-Index đã tăng gần 4% lên trên 61 điểm, trong khi VN-Index cũng tăng ở mức tương tự tiến về ngưỡng “ác mộng” 500 điểm mà chỉ số này vật lộn nhưng không thể trụ vững trong nhiều năm qua.

Điểm đáng chú ý trong vài phiên giao dịch gần đây là thanh khoản đã tăng mạnh so với trước đó và được duy trì khá ổn định. Trong phiên hôm 30/9, khối lượng giao dịch trên hai sàn đạt gần 100 triệu đơn vị, trị giá gần 1.230 tỷ đồng. Tới cuối buổi sáng 1/10, giá trị giao dịch trên riêng sàn TP.HCM cũng đã đạt gần 820 tỷ đồng.

Cảm hứng ngàn tỷ, quạ đen sắp thành thiên nga?

Rất nhiều cổ phiếu có giá tăng gấp đôi trong một thời gian rất ngắn trong “con sóng” được cho là đang hình thành này, như: TTZ (tăng từ 1.900 đồng lên 4.000 đồng/cp); HHG (từ 1.900 đồng lên 3.600 đồng); PXM (từ 500 đồng lên 1.000 đồng); YBC, PVT, PTB… (tăng khoảng 50%) và nhiều cổ phiếu có tình đầu cơ cao bật mạnh như: KBC, ITA, IJC, KLF…

Nhiều NĐT cho rằng, dòng tiền đầu cơ đã trở lại mạnh mẽ với các chỉ báo phân tích kỹ thuật cho tín hiệu tích cực cùng với nhiều thông tin hỗ trợ đi kèm như: số lượng đơn đặt hàng và việc làm tăng kỷ lục (chỉ số PMI); hoạt bán hàng ra nước ngoài tăng đáng kể; VAMC bắt đầu hoạt động; FDI tăng mạnh; kỳ vọng vào TPP, vào khả năng nới room cho khối ngoại, nhất là đối với lĩnh vực ngân hàng…

Một số NĐT cho rằng, xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường đã quá rõ. Vấn đề chỉ còn là thị trường sẽ điều chỉnh khi nào để rồi sau đó vượt qua vùng kháng cự mạnh 500-510 điểm. Dòng tiền đang mạnh mẽ và có thể vượt vũ môn thành công lần này bởi các tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi khá vững chắc.

Cơ hội kiếm tiền mới

Chưa biết đợt sôi động của TTCK lần này kéo dài được bao lâu: ngắn như những đợt sóng gần đây; 4-5 tháng như hồi đầu năm hay kéo dài vài năm như thời kỳ trước vào sau khi Việt Nam vào WTO hồi năm 2006. Có thể thấy, dòng tiền đổ vào TTCK trong vòng khoảng 2 tuần gần đây là có thật, khá mạnh và ổn định. Nó đã giúp rất nhiều cổ phiếu tăng trở lại. Hiện tượng dịch chuyển của dòng tiền là một minh chứng rõ nét cho sự hấp dẫn nhất định của chứng khoán, ít nhất là về mặt ngắn hạn.

TTCK trở nên hút giới đầu tư hơn khi Thủ tướng phát đi thông điệp với các NĐT Mỹ rằng: Việt Nam cam kết mở thị trường tài chính không kém gì các nước trong khu vực - một cơ sở để NĐT kỳ vọng vào dòng tiền mới sẽ chảy vào thị trường trong tương lại gần.

Cuối tháng 9/2013, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng, kinh tế Việt Nam khá vững vàng, nền kinh tế đã tiếp tục ổn định và chống đỡ khá tốt với nhiều biến động trên thị trường tài chính toàn cầu nhờ vào các chính sách tài khóa và tiền tệ được quản lý theo cách hiệu quả hơn, trong khi nhiều nền kinh tế mới nổi khác ở khu vực lao đao. Dự trữ ngoại hối đã tăng lên khá mạnh và FDI trong những tháng đầu năm 2013 tăng mạnh, vượt mục tiêu cả năm 2013.
 
Gần đây chủ đề Việt Nam đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng khiến giới đầu tư nêu ra những kỳ vọng lớn lao vào đó.

Kỳ vọng này có cơ sở bởi trước đó, ảnh hưởng tích cực từ sức mua của dòng vốn ngoại nhờ hiệu ứng gia nhập WTO (2006) đã góp phần giúp VN-Index tăng 144% trong năm 2006, và 23% trong năm 2007. FDI năm 2007 cũng tăng 135% so với 2006 lên gần 18 tỷ USD.

Không chỉ có dài hạn, về ngắn hạn, thị trường cũng đón nhận khá nhiều thông tin khác như: VAMC từ 1/10 chính thức bắt tay vào phá băng nợ xấu với khoản 1.700 tỷ đồng nợ xấu tại ngân hàng đầu tiên Agribank; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong thán 9 đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm - kết quả tốt nhất từ 4/2011…

VCBS cho rằng thanh khoản tăng ổn định và ở mức cao trong suốt thời gian vừa qua cho thấy những tín hiệu tích cực về sự trở lại của dòng tiền cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK. Ở chiều ngược lại, trái với những kỳ vọng xuất phát những thông tin mang tính hỗ trợ nói trên, nhiều NĐT vẫn lo ngại về triển vọng phát triển của TTCK nơi mà sự kém minh bạch diễn ra phổ biến; DN gây mất niềm tin của cổ đông, của NĐT, phát hành giấy lấy tiền; sự lộn xộn, sự thiếu quy củ, thiếu các chế tài xử phạt… vẫn đang diễn ra hàng ngày.

Theo nhiều người, sự sôi động hay các đợt sóng trong thời gian gần đây ngày càng ngắn hơn, không còn kéo dài như trước bởi sự nghi ngờ, chán nản, thất vọng vẫn còn bao trùm; niềm tin chưa được phục hồi. Các cổ phiếu tăng giá mạnh cũng quay đầu giảm giá nhanh. Nhiều cổ phiếu biến động lên xuống 5-7 lần trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nhiều mã tăng trần 5-10 phiên liên tục nhưng tính thanh khoản rất thấp, trong khi các mã lớn chưa bứt phá; khối ngoại cũng chưa có xu hướng mua-bán rõ ràng.

Những tín hiệu vĩ mô tích cực của Việt Nam là đáng mừng, tuy nhiên, nền kinh tế nói chung hay các DN vẫn đang chịu áp lực bởi quá trình tái cấu trúc chậm chạm của khối ngân hàng, sự tái cơ cấu chậm chạm của TTCK; sự kém hiệu quả của khối DNNN cũng như sự chậm trễ trong cổ phần hóa khối DN này. Còn Dòng tiền ngoại có lẽ cũng không dễ dàng chảy vào nếu mọi sự không tốt đẹp.

Theo Mạnh Hà
VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm