“Cám độc” chứa chất gây ung thư vẫn bày bán công khai

Chiều 18/11 (sau 6 ngày bị phát giác), trong vai người chăn nuôi, PV phát hiện được, cám độc của Cty TNHH TACN Trường Phú vẫn công khai lưu thông trên thị trường.

Như đã có bài phản ánh, hàng loạt cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN) đã bị lật tẩy chiêu trò là đưa chất độc đã bị cấm vào TACN. Từ ngày 12-16/11, hàng loạt cơ sở chế biến TACN tại Hải Dương và Hưng Yên đã bị xử lý, niêm phong tang vật. Thế nhưng, chiều 18/11 (sau 6 ngày bị phát giác), trong vai người chăn nuôi, PV Báo Lao Động phát hiện được, cám độc của Cty TNHH TACN Trường Phú vẫn công khai lưu thông trên thị trường.


Một cửa hàng công khai bày bán loại thức ăn hỗn hợp SUNVINA cho khách. Ảnh: Cao Nguyên

Một cửa hàng công khai bày bán loại thức ăn hỗn hợp SUNVINA cho khách. Ảnh: Cao Nguyên

Vẫn bán cám sunvina

Tại cửa hàng Thắng Hoa (đại lý cấp 1) của Cty TNHH TACN Trường Phú tại số 8 phố Hàng, (P.Phú Thịnh, TX. Sơn Tây, Hà Nội), đến 15h ngày 18.11, loại thức ăn hỗn hợp mang tên SUNVINA S.40; SUNVINA S.45; SUNVINA S.60 (hỗn hợp cho gà thịt) vẫn được công khai bày bán. Trong vai một người đi mua TACN cho gia súc, gia cầm, chúng tôi tiếp xúc với chủ cửa hàng. Lúc đầu ông chủ cửa hàng có vẻ e ngại. Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ lời mua 5 kg loại hỗn hợp trên về cho gà và vịt ăn thử sau đó sẽ mua số lượng lớn hơn thì người này vui vẻ tiếp đón.

Tiếp tục trong vai một người đi phân phối cám, chúng tôi được một người dân ở khu vực trong thị xã Sơn Tây nhắc nhở nên cẩn thận nếu không sẽ bị công an và quản lý thị trường bắt quả tang và cảnh báo thêm: Trên địa bàn Sơn Tây vừa qua có một số cửa hàng bán các loại thức ăn chăn nuôi SUNVINA chứa chất gây ung thư (loại ve quét tường), công an, quản lý thị trường đang vào cuộc kiểm tra xử lý.

“Tốt nhất về bảo với sếp như vậy rồi đi đi. Nếu anh đi rao hàng công khai như thế này công an và quản lý thị trường mà thấy là bắt anh đấy”, người dân này nhắc chúng tôi.

Khảo sát ở nhiều cửa hàng trên địa bàn Sơn Tây, Phúc Thọ và Đan Phượng, vẫn còn một số cửa hàng bày bán các loại cám này và nhiều đại lý cảnh giác không bán cho người lạ nhưng thực tế vẫn lưu thông trên thị trường.

Việc thu hồi cám độc quá chậm

Trả lời câu hỏi tại sao đoàn thanh tra chuyên ngành đã yêu cầu thu hồi, nhưng sản phẩm vi phạm vẫn công khai bán trên thị trường, ông Đoàn Văn Thênh - chủ cơ sở TACN Trường Phú cho biết: Chiều 17/11/2015 ông đã điện thoại liên lạc với các đại lý yêu cầu thu hồi lại số lượng TACN đã xuất ra. Tuy nhiên đến thời điểm này chưa thu về được kilôgram nào. Ông Đoàn Văn Thênh cũng bày tỏ lo ngại, ông không dám trực tiếp lên tận nơi thu hồi sản phẩm, vì “đại lý sẽ “cuốc mặt” tôi”.

Về vấn đề liệu có thu hồi lại được số TACN đã được đưa về các đại lý, Phan Mạnh Thông - Trưởng phòng P5 - Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), cho biết: Thức ăn chăn nuôi thường lưu thông và tiêu thụ rất nhanh chỉ sau 1-2 tuần, nên việc thu hồi là rất khó.

Theo danh sách các đại lý mà PV có được, thì có tới 16 cơ sở nhận làm đại lý phân phối TACN của cơ sở Trường Phú, trong đó tập trung nhiều nhất ở Hải Dương: 6 đại lý, Hà Nội: 2 đại lý, Hải Phòng: 4 đại lý, Sơn La: 1 đại lý, Bắc Giang: 1 đại lý, Quảng Ninh: 1 đại lý. Tuy nhiên, theo đoàn kiểm tra liên ngành, số lượng đại lý có thể nhiều hơn, các cơ quan chức năng đang đấu tranh để chủ cơ sở Trường Phú cung cấp thêm thông tin.

Căn cứ theo phiếu xuất kho, từ đầu tháng 11, cơ sở này đã xuất ra gần 1 tấn TACN. Trong khi đó, lượng auramine và chất vàng ô cơ sở đã sử dụng là 46kg, bình quân mỗi tấn sử dụng hết 200g vàng ô, như vậy số lượng TACN thành phẩm sẽ là 230 tấn. Nếu trừ đi khoảng 2 tấn bị niêm phong tại kho, thì còn 228 tấn TACN độc hại đã được tung ra thị trường đến tay người chăn nuôi. Chưa kể số lượng TACN đã được các Cty khác như Việt Nhật, Đại An Tín, Thiên Tôn, Khoa Nguyên, Hưng Hà… thì số lượng TACN chứa độc tố lên tới hàng nghìn tấn. Liệu cơ quan chức năng có đủ sức thu hồi số lượng khổng lồ này?

Vàng ô và sabutamol độc đến mức nào?

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành - Bộ NNPTNT, độc tố trong hoạt chất vàng ô và sabutamol là vô cùng khủng khiếp. Chính vì vậy, ngày 16.1.2015, Bộ NNPTNT đã bổ sung chất vàng ô vào danh mục hoá chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong TACN. Vàng ô là phẩm màu công nghiệp, dùng trong công nghệ giấy và dệt nhuộm. Hoạt chất này có dẫn xuất anthraquinone rất độc và có thể gây đột biến gene, ung thư.

Sabutamol còn có cách gọi nôm na khác là chất tạo nạc. Sabutamol thuộc nhóm hóa chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm lượng mỡ. Nếu người tiêu dùng ăn phải thịt hoặc nội tạng động vật được nuôi bằng thức ăn chứa sabutamol sẽ không thể đào thải, có nguy cơ bị ung thư.

 

Theo K.Vũ - C.Nguyên - T.Giang
Lao động

“Cám độc” chứa chất gây ung thư vẫn bày bán công khai - 2