"Cái giá" để trở thành Jetstar Pacific là bao nhiêu?

(Dân trí) - Ngày 23/5 Pacific Airlines (PA) chính thức đổi tên thành Jetstar Pacific. Với thương hiệu mới, có nhiều ý kiến cho rằng PA đang từng bước bán thương quyền cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chiều ngày 23/5, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific về vấn đề này.

 

Ông Nam khẳng định đây không phải là một thương vụ sáp nhập bởi sáp nhập là mang tính chất về sở hữu. Đây là thương vụ nhượng quyền thương hiệu, PA mua cái quyền để sử dụng và khai thác thương hiệu của Jetstar.

 

Vậy, giá thương hiệu mà PA phải trả trong thương vụ này là bao nhiêu, thưa ông?

 

Chúng tôi chẳng giấu diếm gì những thông tin đó. Như chúng tôi đã báo cáo với các cơ quan quản lý Nhà nước thì phí thương hiệu chúng tôi trả cho Jetstar là 0,2% doanh thu. Nghĩa là nếu chúng tôi làm được 100 triệu USD thì họ thu được 200.000 USD.

 

Giá nhiên liệu thế giới đang tăng theo từng ngày đã ảnh hưởng thế nào tới hoạt động kinh doanh của hãng?

 

Có thể nói rằng không riêng gì Jetstar Pacific mà cả nền kinh tế Việt Nam đang phải sống chung với bão giá, trong đó có giá xăng dầu. Chúng tôi phải rà soát, thay đổi lại toàn bộ kế hoạch kinh doanh bởi vì kế hoạch mà chúng tôi xây dựng vào tháng 12 năm ngoái đã không thể thực hiện nổi.

 

Và quyết định ngừng điểm bay đi Buôn Mê Thuột, Đà Lạt và ngừng cả triển khai đường bay Hà Nội đi Huế là nằm trong việc rà soát và điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh của PA. Mở đường bay vào thời điểm này có thể nói là một quyết định thiêu thân

 

Nhưng dù khó khăn, chúng tôi sẽ không tăng giá vé vì 2 lý do: mức trần giá vé máy bay nội địa bị khống chế, giá vé phụ thu xăng dầu và phí dịch vụ không được vượt quá trần. Thứ hai, chúng tôi phải thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng về biện pháp làm giảm chi phí, kiềm chế lạm phát.

 

Phúc Hưng