Cải cách môi trường kinh doanh: VN đứng thứ 3 thế giới

Hôm nay, 14/9, Ngân hàng Thế giới và công ty Tài chính quốc tế chính thức công bố trên toàn thế giới Báo cáo hoạt động kinh doanh 2006. Theo đó Việt Nam đứng thứ 3 trong số những nền kinh tế có nhiều cải cách nhất về môi trường kinh doanh.

5 lĩnh vực cải cách

 

Báo cáo hoạt động kinh doanh lần thứ 3 của Ngân hàng Thế giới (WB) và Cty Tài chính quốc tế (IFC) được thực hiện tại 155 nền kinh tế, bao gồm 10 chỉ số để đánh giá, trong đó có 3 chỉ số mới là trả thuế, giải quyết các vấn đề giấy phép và thương mại qua biên giới.

 

Trong Top 12 nước có nhiều cải cách nhất về môi trường kinh doanh, Việt Nam (VN) chỉ đứng sau Serbia & Montenegro, Gruzia. VN đã thực hiện cải cách mạnh mẽ 5 trên tổng số 10 lĩnh vực mà WB và IFC dựa vào để đánh giá, xếp hạng. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á, một trong 2 nước châu Á (cùng Pakistan) lọt vào Top 12 nước có nhiều cải cách nhất.

 

Mở doanh nghiệp ở VN được ghi nhận có bước tiến đáng kể nhất vươn lên gần mức trung bình của châu á TBD, còn 11 bước, 50 ngày và chi phí bằng 50,6% thu nhập bình quân đầu người.

 

Đăng ký tài sản ở VN giảm xuống mức thấp, doanh nghiệp phải qua 5 bước, 67 ngày và chi phí 1,2% trên tổng giá trị tài sản. Thực hiện hợp đồng ở VN đã ở mức trung bình của khu vực. Để một hợp đồng thương mại có hiệu lực, doanh nghiệp mất 37 bước, 343 ngày so với 30 bước và 393 ngày là mức trung bình của khu vực châu Á.

 

Về Đóng cửa doanh nghiệp, thời hạn ở VN là 5 năm so với mức trung bình châu á là 3,3 năm. Tuy nhiên, chi phí đóng cửa doanh nghiệp ở VN chỉ chiếm 14% tổng trị giá tài sản so với 27,6% là mức trung bình trong khu vực.

 

Về chỉ số Bảo vệ các nhà đầu tư (bao gồm tính minh bạch trong kinh doanh, khả năng tự giải quyết rắc rối, khả năng kiện giới quan chức...) tại VN được đánh giá có những bước tiến đáng kể trong năm qua, nhưng vẫn còn rất thấp so với mức trung bình châu Á - TBD.

 

Lợi thế và rào cản lớn nhất

 

Xét tổng thể, VN xếp thứ 99 thế giới. Lĩnh vực VN có vị trí cao nhất là Giải quyết các vấn đề giấy phép (xếp thứ 18). Đây không được xếp vào lĩnh vực cải cách mạnh nhất, nhưng được báo cáo ghi nhận là đã vượt qua mức trung bình của khu vực.

 

Lĩnh vực có vị trí thấp nhất (xếp thứ 143) là Bảo vệ các nhà đầu tư. Đây được xem là một trong những trở ngại lớn nhất của VN trong việc cạnh tranh quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực Trả thuế ở cũng chưa được cải thiện nhiều và đứng ở vị trí 107. Theo báo cáo, doanh nghiệp ở VN phải nộp 44 loại thuế, mất 1.050 giờ và chi phí thuế chiếm tới 31,5% tổng lợi nhuận.

 

Ở vị trí 99, nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, VN xếp trên Philippines (113), Indonesia (115),Campuchia (133), Lào (147), nhưng lại thua Singapore (2), Thái Lan (20), Malaysia (21). Trung Quốc, Bangladesh cũng xếp trên VN ở vị trí 91 và 65.

 

Báo cáo hoạt động kinh doanh 2006 với tiêu đề “Tạo việc làm” có 10 chỉ số là bản báo cáo thứ ba của WB và IFC. Thông qua 10 chỉ số so sánh tại 155 nền kinh tế, báo cáo là một trong những cơ sở để doanh nghiệp tăng cường hay hạn chế đầu tư. Báo cáo năm 2004 với tiêu đề “Thông hiểu các quy định và đưa ra số liệu so sánh” dựa trên 5 chỉ số. Báo cáo năm 2005 có tiêu đề “Xoá bỏ trở ngại để phát triển” bổ sung thêm 2 chỉ số.

Châu Á -TBD - khu vực “thân thiện”

 

Theo Tiền phong