Cách Trung Quốc giữ vững "ngai vàng" xe điện và từng bước vươn ra biển lớn
(Dân trí) - Sau khi vượt lên để dẫn đầu doanh số tại thị trường nội địa, các "ông lớn" xe điện Trung Quốc đang đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, con đường này còn rất nhiều khó khăn.
Với "át chủ bài" xe điện, Trung Quốc giành ngôi vương xuất khẩu ô tô của Nhật Bản nhưng vẫn đang phải đối diện với rất nhiều hàng rào bảo hộ của châu Âu và Mỹ.
Định kiến về sản xuất của Trung Quốc, chi phí nhập khẩu cao và thị trường xe điện chưa phát triển là những vấn đề mà các hãng xe Trung Quốc sẽ phải vượt qua để phát triển mạnh ở châu Âu.
Khởi đầu đầy hứa hẹn
Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu 2,34 triệu xe ô tô, vượt qua Nhật Bản với 2,02 triệu xe, trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Các lô hàng xe chạy điện và xe hybrid đã tăng gấp đôi lên mức 534.000 chiếc, chiếm gần 25% tổng lượng ô tô xuất khẩu.
Trong một báo cáo hồi tháng 5, các nhà phân tích từ Allianz Research (Đức) đã mô tả việc Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua xe điện toàn cầu, với lợi thế cạnh tranh ở hầu hết khía cạnh của chuỗi giá trị ngành, là nhờ họ đã đầu tư lớn vào hệ sinh thái xe điện từ hơn một thập kỷ trước.
Khi ấy, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu đưa ra các ưu đãi về mua hàng và thuế để hỗ trợ sự phát triển của ngành ô tô điện nội địa. Họ sớm dự đoán phân khúc này sẽ là đấu trường cạnh tranh toàn cầu trong tương lai.
Xe điện đã nổi lên như một lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc mong muốn khẳng định mình là quốc gia dẫn đầu toàn cầu, phần lớn nhờ vào "sự thống trị" của nước này đối với chuỗi cung ứng pin.
Gao Shen, nhà phân tích tại Thượng Hải, cho biết ngày càng nhiều công ty ô tô Trung Quốc tìm cách tăng doanh số bán hàng ở thị trường nước ngoài.
Trung Quốc hiện cũng là thị trường ô tô nói chung và xe điện lớn nhất thế giới, nơi có khoảng 200 nhà lắp ráp xe điện đang cạnh tranh với nhau để phát triển những chiếc xe thông minh và thân thiện với môi trường.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu 800.000 chiếc xe điện và xe hybrid, tăng 105% so với cùng kỳ, chiếm 34% tổng lượng xe xuất khẩu. Các quốc gia ở Tây và Nam Âu như Bỉ, Tây Ban Nha, Slovenia và Anh đã trở thành điểm sáng xuất khẩu xe năng lượng của nước này.
Những con số "màu hồng"
Vốn từng thành danh ở các thị trường mới nổi như châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ nhưng hiện nay châu Âu mới là thị trường nước ngoài lớn nhất của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Ba trong số những chiếc xe điện bán chạy nhất châu Âu vào năm 2022 là hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Báo cáo của Allianz Research cũng dự đoán rằng ô tô sản xuất tại châu Âu có khả năng sẽ bị thay thế bởi xe sản xuất tại Trung Quốc. Sự hiện diện ngày càng tăng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ở châu Âu được thể hiện rõ ở Đức, thị trường ô tô lớn nhất khu vực.
Tính đến hết quý I năm nay, đã có 6 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bán xe điện ở Đức, so với chỉ 2 vào cùng kỳ 2022. Doanh số bán hàng của các công ty chiếm 3,7% tổng doanh số bán xe điện Đức giai đoạn này, tăng từ mức 1,2% của cùng kỳ năm ngoái.
Những con số màu hồng này đã thúc đẩy niềm tin rằng Trung Quốc sẽ giành vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ô tô. Một số nhà phân tích dự đoán các doanh nghiệp nước này sẽ xuất khẩu hơn 4 triệu xe vào năm 2023, với sự đóng góp của các lô xe điện và xe hybrid tăng từ 21,8% vào năm 2022, lên khoảng 35%.
Theo công ty tư vấn ô tô Inovev, các thương hiệu Trung Quốc chiếm 8% số xe điện mới được bán ở châu Âu trong năm nay. Ngoài ra, theo nghiên cứu của công ty dịch vụ tài chính Allianz, ít nhất sẽ có 11 mẫu xe điện mới do Trung Quốc sản xuất sẽ được tung ra thị trường châu Âu vào năm 2025.
Gặp khó vì gắn mác "Made in China"
Trong khi một số thương hiệu Trung Quốc như MG đã nổi tiếng tại châu Âu thì những công ty khác như XPeng và Nio cần phải gây dựng niềm tin. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người mua xe điện tiềm năng ở châu Âu không nhận diện được các hãng xe của Trung Quốc. Những người nhận diện được thì lại ngần ngại mua xe của nước này.
Điều này gần giống với sự chật vật kéo dài hàng thập kỷ của các hãng xe Hàn Quốc, Nhật Bản những ngày đầu thâm nhập thị trường châu Âu.
Trong số 1.629 người tiêu dùng Đức tham gia khảo sát của YouGov, chỉ có 14% biết đến BYD, dù đây là nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai thế giới chỉ sau Tesla.
Cũng theo khảo sát này, trong số 95% người tiêu dùng biết đến Tesla, 10% sẽ cân nhắc việc mua ô tô tiếp theo của mình là một chiếc xe điện Tesla. Nhưng trong số những người biết đến các thương hiệu Trung Quốc, chỉ có chưa đến 1% nghĩ đến việc mua một chiếc xe điện đến từ nước này.
Giám đốc điều hành của hãng xe Fotinos cho biết họ sẽ gây dựng niềm tin với khách hàng qua các buổi lái thử và mở phòng trưng bày. Tại đây, người châu Âu có thể trực tiếp đánh giá chất lượng xe điện.
"Tôi hy vọng khi tiếp xúc với sản phẩm, khách hàng sẽ ngạc nhiên với chất lượng. Các thông số kỹ thuật các dòng xe của chúng tôi có thể nhỉnh hơn sản phẩm tương đương của châu Âu mà họ từng sử dụng", đại diện hãng xe Fotinos tự tin chia sẻ với Reuters.
Nhà sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc GAC, nhà bán xe điện lớn thứ 3 của nước này, đã mở một văn phòng thiết kế ở Milan (Italia) để nắm bắt sở thích của người tiêu dùng trước khi chuyển sang bán hàng.
"Cách duy nhất để vượt qua định kiến là trực tiếp cạnh tranh", đại diện hãng xe này khẳng định.
"Gánh" thêm nhiều chi phí
Theo hãng nghiên cứu Jato Dynamics, lợi thế của xe điện Trung Quốc là giá cả cạnh tranh. Giá trung bình một chiếc xe điện tại Trung Quốc chưa đến 35.000 USD trong nửa đầu năm 2022. Trong khi đó, giá một chiếc xe điện tại châu Âu lên đến gần 61.000 USD.
"Tuy nhiên, các thương hiệu Trung Quốc có thể gặp khó trong việc bán ô tô tại châu Âu với giá rẻ như ở thị trường trong nước. Chi phí quản lý chuỗi cung ứng, thuế nhập khẩu, VAT và chi phí để đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu sẽ là thách thức với họ", ông Spiros Fotinos, giám đốc điều hành khu vực châu Âu của hãng xe Zeekr, chia sẻ với Reuters.
Đại diện của MG, thương hiệu xe Trung Quốc bán chạy nhất tại châu Âu, cho rằng thách thức lớn nhất là đưa xe từ Trung Quốc đến các điểm phân phối ở châu Âu vì họ phải đi qua nhiều cảng có thời gian xử lý kéo dài.
Bên cạnh đó, ông Alexander Klose, giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài của hãng xe Aiways, cũng cho rằng người châu Âu có nhiều thị hiếu riêng, như sở thích pin lớn để chạy được quãng đường dài hơn. Những yêu cầu khác này cũng có thể phát sinh thêm nhiều chi phí cho các hãng xe Trung Quốc.
Carlos Tavares, giám đốc điều hành của tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia Stellantis, đã cảnh báo về làn sóng xe điện giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường châu Âu. Ngay sau đó, các công ty châu Âu đã ngay lập tức tung ra hàng loạt mẫu xe điện mới, đồng thời có những kế hoạch cắt giảm mạnh chi phí sản xuất và giá sản phẩm.
Hàng loạt rào cản phải đối mặt
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang mạo hiểm thâm nhập thị trường châu Âu, nơi họ xác định sẽ phải đối mặt với loạt thách thức liên quan đến chi phí, mức độ nhận diện thương hiệu hạn chế và niềm tin của người tiêu dùng.
Pháp đã công bố kế hoạch trợ cấp mua xe điện được sản xuất ở châu Âu và đạt tiêu chuẩn carbon thấp của EU. Các nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ giúp ngành công nghiệp ô tô trong khu vực chống lại mối đe dọa từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc.
Trước khi chính sách này có hiệu lực, 40% gói ưu đãi xe điện trị giá 1,2 tỷ euro của Pháp đã thuộc về các hãng xe điện được sản xuất ở châu Á, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Bruno Le Maire.
Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường Mỹ có lẽ mới là thách thức lớn nhất đối với các hãng ô tô Trung Quốc. Tháng 8 năm ngoái, chính quyền Biden đã ban hành Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó cho phép người mua ô tô được hưởng ưu đãi thuế lên tới 7.500 USD với xe được lắp ráp ở Bắc Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ cũng quy định một tỷ lệ nhất định các thành phần pin được sử dụng trong xe điện bán tại Mỹ phải được sản xuất trong nước. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên hàng năm. Mỹ cũng đã áp dụng mức thuế nhập khẩu 27,5% với xe hơi do Trung Quốc sản xuất từ thời chính quyền Donald Trump.
Ngoài các rào cản pháp lý, nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển sản phẩm cho người tiêu dùng nước ngoài và kinh doanh ở thị trường nước ngoài. Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể bào mòn lợi nhuận hoặc thậm chí khiến lô hàng xuất khẩu ô tô bị lỗ.
Từng bước thâm nhập
Chính vì vậy, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã theo đuổi con đường đầu tư vào lắp ráp ô tô châu Âu, tương tự cách Mỹ mở cửa cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vào những năm 1980.
Tháng 7, SAIC Motor công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy xe điện ở châu Âu, nơi doanh số bán hàng của họ đạt 100.000 chiếc vào năm 2022. Công ty vẫn giữ ngôi vị nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, bán được 483.000 ô tô cho khách nước ngoài.
Wang Hua, Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Emlyon (Pháp), cho biết một lựa chọn để các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể giảm thiểu rủi ro khi mở rộng ra nước ngoài là mua lại các thương hiệu phương Tây. Đó là cách mà SAIC đã làm, với việc mua lại thương hiệu MG Motor của Anh.
Tương tự, gã khổng lồ ô tô Geely đã mua Volvo Cars từ Ford vào năm 2010. Thương vụ này đã giúp Geely nâng cao hình ảnh toàn cầu và cho phép hãng tiếp cận công nghệ tiên tiến của công ty Thụy Điển.
Công ty tư vấn AlixPartners (Mỹ) dự báo xe điện sẽ chiếm 39% doanh số bán xe mới ở Trung Quốc vào năm 2027. Các chuyên gia cho rằng với sức mạnh chuỗi cung ứng pin - yếu tố quyết định hiệu suất và giá cả của xe điện - khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn tiếp tục cải thiện.