Cách người Tây sinh lời nhàn rỗi nhờ thương mại điện tử từ 10 năm nay

(Dân trí) - Nhiều mô hình kinh doanh ra đời dựa trên sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT). Điển hình có Dropshipping, một phương pháp bán hàng với rất nhiều lợi thế, được áp dụng phổ biến tại các nước phương Tây, nhưng vẫn là khái niệm khá xa lạ với người Việt Nam.

Cách người Tây sinh lời nhàn rỗi nhờ thương mại điện tử từ 10 năm nay - 1
Cách người Tây sinh lời nhàn rỗi nhờ thương mại điện tử từ 10 năm nay - Ảnh: Udemy

Dropshipping: Mô hình kinh doanh ít vốn

Đây là mô hình bán hàng không cần phải nhập trước sản phẩm, chỉ khi có đơn đặt hàng mới tiến hành nhập sản phẩm trực tiếp từ nhà cung cấp và giao cho người mua. Người bán chỉ cần làm việc với nhà cung cấp, quảng cáo và chăm sóc khách hàng mà không cần trực tiếp xử lý sản phẩm.

Cách người Tây sinh lời nhàn rỗi nhờ thương mại điện tử từ 10 năm nay - 2
Mô hình dropshipping cắt bỏ yếu tố tồn kho. Ảnh: Netsale

Nói cách khác, Dropshipping cắt bỏ yếu tố tồn kho, chỉ dựa trên nhu cầu thật sự của khách hàng để nhập hàng. Mô hình này khắc phục những nhược điểm lớn của phương pháp truyền thống, giảm chi phí vốn, rủi ro nhập hàng khi kinh doanh không thuận lợi.

Mọi giao dịch từ Dropshipping, từ việc người mua đặt hàng đến nhập sản phẩm từ nhà cung cấp đều được thực hiện trên internet. Do đó, người bán có thể bán hàng thảnh thơi mọi lúc, mọi nơi.

Mô hình dropshipping nổi tiếng là liên minh Shopify (Mỹ) - Aliexpress (Trung Quốc) đã gần như hoàn thiện, từ khâu nhập hàng, hỗ trợ tiếp thị, quảng cáo đến việc chăm sóc khách hàng trước và sau mua.

Kiếm tiền tỷ mỗi tháng nhờ Dropshipping

Chính vì những lợi thế trên, không ít dân buôn phương Tây đã thành công và đạt thu nhập khủng với mô hình dropshipping. Như trường hợp của Scott Hilse, anh này từng đạt doanh thu 170.000 USD chỉ trong vòng 10 tháng với 1 sản phẩm duy nhất là ốp lưng cho điện thoại iPhone.

Thay vì bán sản phẩm với giá 20 USD như nhiều nhà buôn khác, Hilse định giá 10 USD một chiếc ốp lưng có giá gốc chỉ 2-3 USD được nhập từ Aliexpress. Bằng việc quảng cáo Facebook có hiệu quả, Hilse nhanh chóng có được những đơn hàng đầu tiên và dần đạt số lượng 10 - 15 đơn hàng mỗi ngày.

Công việc dropshipping đã tạo ra thu nhập thụ động cho Hilse. Anh vừa làm tài xế tại Los Angeles, vừa theo dõi việc bán hàng qua di động. Hilse không cần phải bận rộn với việc chuẩn bị sản phẩm, giao hàng mà chỉ cần tối ưu quảng cáo, email, chăm sóc khách hàng, thu về 500 – 1.200 USD mỗi ngày.

Cách người Tây sinh lời nhàn rỗi nhờ thương mại điện tử từ 10 năm nay - 3
Nguồn thu nhập thụ động ổn định từ dropshipping thay đổi cuộc đời Scott Hilse. Ảnh: Oberlo

Cơ hội nào cho người Việt tại thị trường châu Âu - Mỹ?

Không chỉ riêng dân buôn phương Tây, người Việt cũng đã biết vận dụng mô hình dropshipping này và thành công với thị trường châu Âu - Mỹ.

Trên trang blog của mình, anh Duy Alex cũng đã chia sẻ về hành trình thu 1.500 USD trong tháng đầu tiên với dropshipping. Anh cũng chọn con đường dropshipping trên Shopify, tận dụng nguồn hàng giá rẻ từ Trung Quốc trên Aliexpress.

Anh chi trả 22 USD/ngày cho quảng cáo Facebook để bán sản phẩm. Ngoài ra, anh còn tận dụng dịch vụ vận chuyển ePacket cho mọi đơn hàng để tối ưu chi phí nhất có thể.

Tuy nhiên, số người Việt thành công như Duy Alex là rất ít ỏi do gặp khá nhiều khó khăn. Ngoài rào cản về ngôn ngữ và khoảng cách địa lý, chi phí marketing ngày càng tăng cao tạo áp lực lớn cho người bán hàng.

Bên cạnh đó, khó khăn trong việc rút tiền từ các ví điện tử nước ngoài về cũng tạo nên nhiều rào cản với người bán Việt Nam. Vậy làm sao để áp dụng mô hình Dropshipping tại thị trường Việt Nam?

Nhiều khó khăn nhưng không gì là không thể!

TMĐT Việt Nam phát triển khá sau muộn so với thị trường quốc gia Âu - Mỹ. Do đó, việc áp dụng mô hình dropshipping gặp khá nhiều trở ngại.

Trước nhất, cơ sở hạ tầng cho dropshipping vẫn còn chưa hoàn thiện. Dropshipping cần sự kết nối, đồng bộ dữ liệu giữa nền tảng bán hàng TMĐT và nền tảng bán sỉ/bán buôn, tương tự như mô hình Aliexpress và Shopify. Trong khi đó, thị trường có trên dưới 20 sàn TMĐT nhưng chỉ có Lazada, Shopee và Tiki cho phép người bán thực hiện các đơn hàng dropshipping trực tiếp từ nguồn hàng của nhà cung cấp.

Hạ tầng logistics phục vụ cho chuỗi cung ứng dropshipping vẫn đang rất rời rạc, chi phí cao. Chuỗi cung ứng dropshipping phải thông qua giai đoạn xử lý đơn hàng dropshipping bao gồm: tiếp nhận sản phẩm, gỡ bỏ nhãn – vận đơn của nhà cung cấp, dán nhãn của người bán, đóng gói, dán vận đơn với thông tin người bán, giao hàng đến người mua.

Hiện vẫn chưa có chưa doanh nghiệp nào có hệ thống đảm bảo tính kết nối, liên tục và đồng bộ dữ liệu với sàn bán sỉ và kênh bán lẻ. Chính vì vậy, việc vận hành dropshipping khá mất thời gian, dễ thất thoát hàng hóa và tốn kém chi phí cao.

Tuy nhiên, dropshipping vẫn khả thi tại Việt Nam nếu thỏa mãn những điều kiện quan trọng sau: Cơ sở hạ tầng logistics hoàn thiện; Kết nối những nguồn hàng giá rẻ nhưng chất lượng; Khả năng xử lý dòng tiền thu hộ (COD) nhanh và linh hoạt, phù hợp với thị trường Việt Nam; Chính sách hỗ trợ người bán đủ chặt chẽ, kiểm soát chất lượng dịch vụ.

Không gì là không thể nếu thị trường xuất hiện một doanh nghiệp làm được những công việc nói trên và thực tế là đã có doanh nghiệp đầu tiên đáp ứng các tiêu chí đó. Như vậy, việc người Việt Nam có thể tận dụng mô hình bán hàng ưu việt, ít vốn, lợi nhuận cao như người Tây là điều hoàn toàn có thể.

Nếu thực hiện thành công, đây có lẽ là bước tiến lớn cho thương mại điện tử nói riêng và ngành bán lẻ trực tuyến nói riêng trong việc tối ưu kinh doanh cho người bán, tạo thu nhập xã hội và tăng doanh thu cho ngành này.