Vì sao nguyên Tổng giám đốc Xi măng Việt Nam Trần Việt Thắng bị cách chức?
(Dân trí) - Ngày 10/7, Ban bí thư Trung ương Đảng quyết định kỷ luật cách chức đối với nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) Trần Việt Thắng. Vì sao đến thời điểm này ông Thắng mới bị cách chức?
Như Dân trí đã đưa tin, theo Ban Bí thư, trong thời gian giữ chức Phó Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc VICEM và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1, ông Trần Việt Thắng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty. Ông Trần Việt Thắng đã ký ban hành và tổ chức thực hiện một số quy định về quản lý kinh doanh không đúng thẩm quyền; vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
"Vi phạm trên là nghiêm trọng, làm thiệt hại đối với lợi ích doanh nghiệp, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam", Ban Bí thư cho biết.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/12/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Việt Thắng bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Ông Trần Việt Thắng được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Vicem từ tháng 9/2013. Trước đó, ông từng kinh qua nhiều vị trí tại Công ty Xi măng Hà Tiên 1, bao gồm cả những chức vụ cao nhất là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty.
Liên quan đến hoạt động của Vicem, cuối năm 2016, Thanh tra Bộ Xây dựng từng kết luận xảy ra tình trạng sai phạm, thua lỗ hàng nghìn tỷ trong quá trình kinh doanh, đầu tư. Các đơn vị này phải khắc phục hơn 326 tỷ đồng nộp các khoản thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
Toàn bộ 20 công ty được thanh tra đã khắc phục, thu hồi, giảm các khoản công nợ phải thu lên tới 3.121 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm 31/12/2015, số công nợ phải thu của 20 công ty trực thuộc Vicem vẫn còn hơn 937 tỷ đồng.
Cũng theo kết luận này, việc người đại diện phần vốn của tổng công ty từ năm 2014 trở về trước tại Công ty Cổ phần Vicem thương mại Xi măng do thiếu kiên quyết trong công tác quản lý, điều hành đã để phát sinh nhiều khoản công nợ phải thu. Các khoản công nợ này đã đến hạn và khó đòi với tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% vốn điều lệ, tiềm ẩn khả năng thâm hụt vốn Nhà nước đã đầu tư vào công ty.
Đến ngày 31/12/2015, Tổng Công ty Vicem Việt Nam còn vốn đầu tư tại 31 đơn vị với tổng số tiền đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 2 đơn vị có vốn đầu tư khoảng 55 tỷ đồng mà Tổng Công ty Vicem Việt Nam không thu được cổ tức từ khoản đầu tư này gồm: Công ty Cổ phần Sông Đà 12 có vốn đầu tư 12 tỷ đồng, Công ty Cổ phần tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai có vốn đầu tư là 43 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo kết luận, các khoản phải thu trong tổng tài sản tại 12 công ty ngày càng tăng chứng tỏ vốn của 12 công ty ngày càng bị chiếm dụng nhiều. Bên cạnh đó có 5 công ty không đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, 10 công ty có tốc độ gia tăng vốn năm 2015 thấp hơn năm 2014...
Phương Dung