Các tỷ phú Nga thời cấm vận

Họ đã sở hữu hàng tỷ đô la và có tên trong danh sách xếp hạng của tạp chí Forbes, nhưng khi nước Nga bị cấm vận kinh tế, cả 3 người đều rút dần vốn đầu tư ra khỏi đây. Phải chăng đó là điều bình thường?

Patokh Chodiev, Telman Ismailov và Musa Bazhaev là những người phất lên nhờ sự phá sản của ngành công nghiệp Liên Xô vào những năm 1990. Sau đó, T. Ismailov kinh doanh bất động sản, nhà hàng, xuất bản, P. Chodiev kiếm tiền trong ngành công nghiệp năng lượng và khai thác mỏ, còn M. Bazhaev kinh doanh bạch kim. Họ đã sở hữu hàng tỷ đô la và có tên trong danh sách xếp hạng của tạp chí Forbes, nhưng khi nước Nga bị cấm vận kinh tế, cả 3 người đều rút dần vốn đầu tư ra khỏi đây. Phải chăng đó là điều bình thường?

“Nhà thổ nổi” hạng sang

Sinh ngày 15/4/1953 tại Tashkent, Uzbekistan, Patokh Chodiev là công dân Nga, tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Moskva, từng làm việc tại Cơ quan đại diện thương mại Liên Xô ở Nhật Bản. Sau khi Liên Xô sụp đổ, P. Chodiev bắt đầu các hoạt động kinh doanh của mình tại Kazakhstan. Cùng với Alexander Machkevitch và Alijan Ibragimov, P. Chodiev trở thành người đồng sáng lập, đồng sở hữu Tập đoàn khai thác mỏ ENRC. Hiện nay, tài sản của P. Chodiev ước tính khoảng 3,7 tỷ USD.

Tên tuổi của bộ ba lãnh đạo ENRC lần đầu tiên được biết đến ở phương Tây vào cuối những năm 1990 khi họ là đối tượng điều tra trong vụ án tham nhũng liên quan đến hoạt động của Tập đoàn Tractebel của Bỉ ở Kazakhstan. Tractebel mua lại Công ty năng lượng AlmatyEnergo chỉ với 5 triệu USD và sau đó, đã trúng lớn khi nhận được hợp đồng nhượng quyền xây dựng các đường ống dẫn khí đốt của Kazakhstan. P. Chodiev và các cộng sự được cho là đã nhận 55 triệu USD do cung cấp “dịch vụ tư vấn” cho Tractebel. Do những người Bỉ bội tín cáo buộc các đối tác cũ nhận hối lộ, P. Chodiev, người đã nhập quốc tịch Bỉ vào năm 1997, phải đối mặt với một án phạt tù thực sự.

Tuy vậy vào năm 1998, P. Chodiev vẫn thành lập được ngân hàng International Bank tại Quần đảo Cook do đã “đặt mua” ở nơi cư trú cũ tại Kazakhstan giấy chứng nhận về đạo đức, điều kiện cần phải có để được thành lập ngân hàng. Trước sự kiện này, người đứng đầu cơ quan chống rửa tiền của Bỉ thừa nhận: “Việc thành lập ngân hàng ở nước ngoài làm cho quá trình phát hiện toàn bộ hoạt động rửa tiền là không thể”. Trong khi đó, Viện Công tố Bỉ nghi ngờ “bộ ba lãnh đạo Tập đoàn ENRC đã mua khu biệt thự sang trọng ở Brussels bằng tiền do phạm tội mà có”.

Sau khi bị khởi tố hình sự, các tài khoản ở Thụy Sĩ của P. Chodiev với số tiền hàng triệu đô la bị phong tỏa và phải khai báo trước cơ quan điều tra. Nhiều ý kiến cho rằng đúng lúc ấy, các cơ quan đặc biệt phương Tây đã tác động, lôi kéo P. Chodiev hợp tác. Điều này có lẽ đúng bởi rất khó có thể giải thích được việc P. Chodiev thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật sau hơn 10 năm bị điều tra mặc dù phải nộp phạt 23 triệu euro.

 

Patokh Chodiev.

Patokh Chodiev.

Trong năm 2010, P. Chodiev lại trở thành tâm điểm của scandal đầy tai tiếng. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt được quả tang “nhà thổ nổi” hạng sang trên chiếc du thuyền Savarona. Gần chục gái mại dâm tuổi vị thành niên người Nga và Ukraina bị bắt, cùng với họ là các doanh nhân Nga, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Các nhà tài phiệt chi tới 10 nghìn đô la cho hành trình giải trí khiêu dâm trong một ngày đêm này.

Đặc biệt, cả 3 tỷ phú T. Ismailov, P. Chodiev và M. Bazhaev đều có mặt trong vụ tai tiếng này. Nhiều ý kiến cho rằng mục đích thực sự của vụ bắt giữ không phải để loại bỏ cái “nhà thổ nổi” đó, mà chủ yếu nhằm tuyển mộ doanh nhân Nga làm đặc tình cho các cơ quan đặc biệt phương Tây. Điều này có lẽ đúng vì tất cả những người bị tạm giữ đều được tự do ngay sau đó, “vật tế thần” Tevfik Arif, một doanh nhân gốc Kazakhstan sống tại Mỹ, đã “gánh hết” mọi tội lỗi.

Ngoài ra, P. Chodiev còn được biết đến qua vụ báo chí Pháp tiết lộ các tài liệu được cho là những bản ghi nhớ bí mật của cựu cố vấn của ông Nicolas Sarkozy. “Đó là vụ đưa hối lộ 300 nghìn euro cho cựu cố vấn và cựu quan chức giúp việc của Tổng thống Pháp N. Sarkozy. Số tiền của P. Chodiev được chuyển tới để cảm ơn ông N. Sarkozy cùng các trợ lý vì đã gây ảnh hưởng đối với tòa án của Bỉ”. Sau đó, Kazakhstan cũng cảm ơn Pháp về vụ “giải cứu” P. Chodiev bằng việc ký một số hợp đồng lớn và đảm bảo hoàn thành các đơn đặt hàng trị giá 2 tỷ euro đã ký với Pháp.

Việc công khai các tài liệu này dường như vừa nhằm làm mất uy tín ông N. Sarkozy, người có thiện cảm với Nga vừa gây nghi ngờ cho Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, một đồng minh của ông V. Putin. Tổng thống Kazakhstan dứt khoát bác bỏ mọi sự liên quan của mình. Còn P. Chodiev cố tình im lặng. Hiện nay, tài sản của nhà tỷ phú này chủ yếu để ở các nước thành viên Liên minh châu Âu.

“Bữa tiệc thời khủng hoảng”

Telman Ismailov sinh ngày 26/10/1956 tại Baku của Azerbaijan, từng học tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Azerbaijan, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Moskva mang tên Plekhanov vào năm 1980 và đã làm việc tại Bộ Thương mại Liên Xô. Năm 1989, T. Ismailov thành lập và là Chủ tịch Tập đoàn AST chuyên kinh doanh về nhà hàng, xuất bản, bất động sản. Năm 2007, tạp chí Forbes ước tính tài sản của T. Ismailov khoảng 620 triệu USD, lúc cao nhất là 1 tỷ USD.

 
Telman Ismailov.
Telman Ismailov.

Dưới thời Tổng thống Nga V. Putin, T. Ismailov bị thất sủng. Lý do chính được cho là do nhà tỷ phú này đã xây một khách sạn Mardan Palace 7 sao sang trọng trị giá 1,4 tỷ USD tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lễ khai trương vào năm 2009, T. Ismailov đã mời các ngôi sao của Hollywood và Nga như Richard Gere, Sharon Stone, Tom Jones, Monica Bellucci, Paris Hilton… Theo các nhà phân tích, “bữa tiệc thời khủng hoảng” này khó được Điện Kremli chấp nhận.

Ngoài ra, T. Ismailov còn mất một trong những tài sản sinh lời lớn nhất - chợ Cherkizovsky (còn được gọi là chợ Vòm) ở Moskva. Lý do được cho là Thị trưởng Moskva Yuri Luzhkov, một đồng minh chủ yếu của T. Ismailov, bị buộc phải từ chức.

Chính nhờ Yuri Luzhkov, Tập đoàn AST của T. Ismailov mới phát triển mạnh mẽ ở Moskva, AST đã nhận được các khoản vay ở Ngân hàng Moskva. Sau những sự kiện này, nhiều vấn đề phức tạp với các tài sản khác của T. Ismailov ở Nga bắt đầu nảy sinh. Gần đây, tỷ phú này buộc phải từ bỏ việc xây dựng một khách sạn lớn và tìm cách bán bớt “viên ngọc” trong đế chế của mình - nhà hàng Praha trên phố cổ Arbat ở Moskva.

Sau sự thất bại của “Dòng chảy phương Nam”, T. Ismailov đã tiếp xúc với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhằm ngăn cản Ankara hợp tác với Moskva xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuy nhiên, kế hoạch của Tập đoàn khí đốt Gazprom không dễ bị phá hỏng, mối quan hệ của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ổn định. Hiện nay, T. Ismailov kinh doanh chủ yếu tại Thụy Sĩ, Ý và các nước vùng Baltic. Ông ta vẫn để lại một ít tài sản ở Nga và sống ở Riviera của Pháp.

Ông chủ của Russkaya Platina 

Sinh ngày 11/5/1966 tại Grozny, Chechnya thuộc Nga và đã tốt nghiệp Viện Dầu khí Grozny vào năm 1991, Musa Bazhaev là đồng sở hữu và Chủ tịch Tập đoàn Alyans, một tập đoàn kinh doanh đa ngành gồm công nghiệp dầu mỏ, xây dựng và công nghiệp dệt may, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Russkaya Platina, một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về kim loại nhóm bạch kim. Tài sản của M. Bazhaev ước tính khoảng 900 triệu USD vào năm 2012.

 

Musa Bazhaev.

Musa Bazhaev.

Tháng 12/2013, M. Bazhaev tuyên bố không từ bỏ “ngành công nghiệp dầu khí”, nhưng gần một năm sau với lý do tập trung vốn cho Russkaya Platina, doanh nhân này đã buộc phải bán cổ phần của mình cho công ty dầu mỏ độc lập (NNK) của Eduard Khudainatov - Phó chủ tịch Tập đoàn dầu khí Nga (Rosneft), người có quan hệ mật thiết với Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin. Igor Sechin từng là Phó thủ tướng dưới thời Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Tổng giá trị hợp đồng mua bán không được tiết lộ.

Mặc dù không có sự hậu thuẫn chính trị từ bên ngoài, M. Bazhaev vẫn sử dụng nhiều “mánh khóe” ở trong nước. Tập đoàn Alyans đã tạm dừng các dự án lớn ở Krasnoyarsk với nhiều lý do khác nhau, ông chủ của Russkaya Platina không vội thực hiện các dự án này nhằm làm tiêu tan hy vọng về việc cải thiện tình hình kinh tế - xã hội trong khu vực. Nhưng, M. Bazhaev lại không ngần ngại đưa lượng tiền lớn của mình ra nước ngoài để mua sắm tài sản.

M. Bazhaev chưa có quốc tịch nước ngoài và phần lớn các tài sản của doanh nhân này vẫn ở Nga. Tuy nhiên từ lâu, ông không còn tăng vốn đầu tư ở trong nước, mà chủ yếu tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Năm 2014, các công ty con của M. Bazhaev đã mua lại một khu nghỉ mát sang trọng ở Sardinia, Italy và gần đây, M. Bazhaev chi 100 triệu USD để có được giấy phép khai thác mỏ ở Kyrgyzstan.

Mặc dù vậy, cả 3 tỷ phú này đều vẫn vay được tiền ở ngân hàng của Nga. Các ngân hàng VTB Capital và Sberbank tiếp tục gia hạn cho khoản vay nhiều tỷ đô la của P. Chodiev đến năm 2021. M. Bazhaev yêu cầu được chính  phủ bảo lãnh cho khoản vay 220 tỷ rúp, T. Ismailov vẫn chưa trả lại khoản vay 4 tỷ rúp tại Ngân hàng Moskva…

Các tỷ phú này, những người có thể tiếp cận với nguồn tài nguyên và quan chức cao cấp của Nga, chắc chắn nằm trong tầm ngắm của các cơ quan đặc biệt nước ngoài và bị sử dụng như một thứ vũ khí để chống lại Moskva. Khi Nga bị cấm vận kinh tế sau các sự kiện xảy ra ở Ukraina và Crimea, các doanh nhân này đều chuyển tài sản của mình ra nước ngoài. Tuy nhiên, phương Tây không phải là phương thuốc chữa bách bệnh và là sự đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Theo Hoàng Phát
An ninh Thế giới

Các tỷ phú Nga thời cấm vận - 4