Các nhà máy thép trước nguy cơ đóng cửa

Số phận các nhà máy (NM) thép hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng đang như “chỉ mành treo chuông” khi thời hạn 31/8 gần kề.

Vô tư thải khói độc hại

 

Tại khu vực đường số 6, 9, 9A KCN Hòa Khánh, khu vực chỉnh trang dành cho các nhà máy sắt thép, các ống khói trên nóc nhà máy không ngừng tuôn ra từng cột khói trắng.

 

Mặc dù đã đeo khẩu trang nhưng chúng tôi cũng không chịu nổi mùi khét lẹt trong không khí dưới tiết trời nóng bức. Những hạt bụi li ti màu đen lơ lửng trong không khí và bám vào khóe mắt, mũi.

 

Trước yêu cầu quyết liệt của người dân và các doanh nghiệp sạch trong KCN, các ngành hữu quan đã đưa đoàn kiểm tra đến đo đạc và  kết quả quá sức tưởng tượng!

 

Tại chín lò nấu luyện phôi thép cho thấy nồng độ các chất độc hại vượt tiêu chuẩn nhiều lần: khí CO (ôxít cacbon) vượt 67-100 lần; NOx (ôxít nitơ) vượt 2-6 lần, đặc biệt là hơi chì có nơi vượt 65.500 lần; bụi kẽm: 7,91 mg/m3, đồng 0,03 mg/m3, sắt 0,05 mg/m3...

 

Khí thải của hầu hết các lò luyện thép không được xử lý mà thải trực tiếp vào môi trường. Nhưng do các lò đều có công suất nhỏ, từ 750kg-1.500kg/mẻ và bố trí xa nhau nên rất khó thu gom khí thải. 13 nhà máy với 26 lò luyện thép hoạt động chưa có hệ thống lọc khí bụi, xử lý nước thải cục bộ chính là “tác giả” của tình trạng ô nhiễm  nặng nề này.

 

Trước tình trạng này, UBND TP Đà Nẵng đã ra “tối hậu thư”: chậm nhất đến 31/8 các nhà máy phải có văn bản cam kết với Ban quản lý các KCN và chế xuất giảm được tối thiểu 50% mức độ ô nhiễm, nếu không sẽ phải đóng cửa. nhà máy nào làm đúng cam kết thì được tiếp tục hoạt động cho đến năm 2008. Đến thời điểm đó, những nhà máy có giải pháp xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép hoạt động tiếp.

 

Đồng thời UBNDTP đã quyết định từ thời điểm này trở đi không cho lắp đặt mới lò luyện thép trong các KCN. Ngoài việc xử phạt các nhà máy vi phạm, UBNDTP còn điều chỉnh giảm thời gian miễn tiền thuê đất đã ưu đãi xuống mức thấp nhất, chỉ còn ba năm. Trước đó, vào tháng 5/2006, UBNDTP đã đình chỉ hoạt động nhà máy thép Đà Nẵng (là doanh nghiệp nhà nước có qui mô lớn) do đã “vô tư” thải khí độc ra môi trường.

 

“Tiến thoái lưỡng nan”!

 

Đại diện Xí nghiệp sản xuất kinh doanh sắt thép Thiên Kim cho rằng: “Các doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỉ đồng cho nhà máy thép là một số vốn rất lớn, nay không còn đủ lực để đầu tư xử lý môi trường”. Khó khăn hơn là  các doanh nghiệp mới nhập các lò nấu luyện nay phải “phơi sương phơi nắng”.

 

Công ty Đồng Tín nhập lò luyện từ tháng 6/2005, đã lắp đặt nhưng chưa thể hoạt động. Công ty Châu Thạnh đã mua một lò nấu (tháng 12/2005) vẫn không dám...đỏ lửa. Các công ty Anh Khoa, Tấn Quốc cũng mua lò và hiện vẫn nằm chỏng chơ.

 

Giám đốc Công ty Thành Lợi Huỳnh Văn Tân than thở: “Để cứu tám lò thép (đầu tư hơn 5 tỉ đồng) đang hoạt động, chúng tôi đã đi vay mượn 300 triệu đồng để tìm chuyên gia môi trường xử lý giảm khói bụi theo qui định. Nhưng không biết giải pháp này có hữu hiệu để tồn tại đến năm 2008 được không”.

 

Các doanh nghiệp đã đồng kiến nghị cho các lò nấu hoạt động đến cuối năm 2008 hoặc 2010 để có thời gian thu hồi vốn, nhưng kiến nghị này đã không được chấp nhận.

 

Ông Trần Văn Đông-phó trưởng Ban quản lý các KCN và chế xuất-cho biết để giảm bất lợi cho các doanh nghiệp lẫn UBNDTP, đơn vị đã liên hệ các giải pháp xử lý ô nhiễm nhưng vẫn chưa tìm ra. Đi tìm các địa điểm khác ở ngoại ô để bố trí sản xuất độc lập cũng không thành. Đến nay nguy cơ phải đóng cửa nhà máy đang đến rất gần.

 

Nhà máy thép Nhà Bè và Tân Thuận: không được gia hạn di dời

 

UBNDTP vừa có công văn số 5472 không cho phép gia hạn di dời đối với hai nhà máy thép Nhà Bè và Tân Thuận. Theo đó, kể từ ngày 15/8 đến 30/8/2006,  UBND quận 7 sẽ kiểm tra tình hình thực hiện của hai đơn vị này, nếu vẫn còn sản xuất thì buộc ngưng công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, niêm phong máy và thiết bị của nhà máy.

 

Trước đó, hai nhà máy này đã xin lùi thời gian di dời đến tháng 6/2006. Tuy nhiên Sở Công nghiệp Thành Phố cho biết Nhà máy thép Tân Thuận lại có văn bản xin tiếp tục gia hạn di dời đến tháng 12/2006 và Nhà máy thép Nhà Bè xin gia hạn đến tháng 6/2007.

 

Theo ban chỉ đạo di dời, hai đơn vị nói trên đã bị phạt nhiều lần vì gây ô nhiễm và hứa sẽ khắc phục nhưng mức độ ô nhiễm không hề giảm. Người dân sống trong các khu vực này rất bức xúc vì suốt ngày phải ngửi khói bụi từ các lò luyện thép.

 

Kết quả khảo sát tình hình ô nhiễm của Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cũng cho thấy trung bình mỗi ngày người dân sống ở khu vực xung quanh Nhà máy thép Nhà Bè phải hít khói bụi khoảng 6 giờ/ngày.

 

Các nồng độ khác như bụi mangan, CO, chất rắn lơ lửng, dầu mỡ đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ vài lần đến vài chục lần. Tương tự, tại khu vực xung quanh Nhà máy thép Tân Thuận, lượng bụi thải từ nhà máy ước tính trên 1 tấn/ngày và vượt mức tiêu chuẩn cho phép 4,3-14 lần.

 

Theo ông Huỳnh Tấn Sơn, chủ tịch phường Tân Thuận Đông, làm việc với chính quyền địa phương, ban giám đốc của hai nhà máy nói trên đã cho biết là sẽ chấp hành chỉ đạo của UBND.

 

Theo Việt Hùng - Thu Thảo

Báo Tuổi trẻ