Các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ ồ ạt vào VN

(Dân trí) - Khi quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của VN đang gần hoàn tất, cũng là lúc các nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị chương trình cho những bước tiến dài: Thâm nhập thị trường phân phối VN - vốn là một trong những thị trường bán lẻ phát triển nhanh nhất toàn cầu.

Đón đầu cơ hội

Theo đánh giá của công ty tư vấn quản lý quốc tế AT Kearney, VN hiện xếp thứ 3 trong số 30 thị trường bán lẻ phát triển nhanh nhất toàn cầu. Với tỷ lệ tiêu dùng so với GDP là 70% (trong khi Thái Lan là 67,7% và Singapore là 55,9%), thị trường phân phối bán lẻ VN đang lọt vào “tầm ngắm” của không ít tập đoàn phân phối nước ngoài.

Nhiều công ty đã đón đầu cơ hội thâm nhập thị trường phân phối VN bằng cách tìm hiểu thủ tục mở văn phòng đại diện, nhờ tư vấn tuyển dụng nhân sự, tìm kiếm thông tin ngành hàng... Họ chỉ đợi giờ khi VN gia nhập WTO và chính thức mở cửa thị trường là sẽ lập tức ồ ạt đổ bộ vào thị trường bán lẻ VN.

Ngay cả khi đàm phán gia nhập WTO chưa kết thúc, các nhà phân phối VN cũng đang chịu một sức ép lớn từ các đại gia trong lĩnh vực phân phối: Metro, Big C, Parkson. Những nỗ lực trong việc phát triển hệ thống bán lẻ của Kinh Đô, Trung Nguyên, Vinamilk vốn là những thương hiệu mạnh của VN cũng chỉ là “muối bỏ bể” so với hệ thống phân phối bao trùm rộng khắp của P & G, Unilever và Coca Cola.

Kết quả khảo sát mới đây về hệ thống phân phối VN cho thấy: 44% người tiêu dùng mua hàng qua cửa hàng bán lẻ, 40% mua qua hệ thống chợ, 10% mua hàng qua siêu thị và trung tâm thương mại và 6% mua hàng do các nhà sản xuất phân phối trực tiếp.

Kết quả này đã khiến không ít DN lạc quan. Họ cho rằng nếu có thêm một vài nhà phân phối với sự xuất hiện của vài ba siêu thị sẽ chẳng có gì đáng ngại vì hàng hoá bán qua kênh này mới chỉ chiếm 10%.

Tuy nhiên họ không biết rằng, 10% ấy nếu rơi vào tay các “đại gia” phân phối tên tuổi sẽ lớn nhanh như thổi và ngốn phần lớn thị phần trong chớp mắt. Bằng chứng là tại Trung Quốc, khi Carrefour (tập đoàn bán lẻ Pháp lớn thứ 2 thế giới) xuất hiện thì ba nhà phân phối nội địa trong bán kính 35km đã lập tức phá sản. Còn tại Thái Lan và Malayxia, hệ thông phân phối cũng đang phụ thuộc rất lớn vào các tập đoàn nước ngoài.

VN phải có những tập đoàn phân phối mạnh

Theo đánh giá của Bộ thương mại, bình quân mỗi siêu thị có khoảng 2-3000 nhà cung cấp là các DN, cơ sở sản xuất trong nước. Hiện, Metro cũng đang bao tiêu rất tốt cho các nhà sản xuất nội địa nhưng khi cánh cửa WTO rộng mở, hàng rào thuế quan không còn nữa, các nhà phân phối sẽ chọn nguồn cung cấp tối ưu nhất. Khi đó, các nhà sản xuất trong nước vốn có quy mô nhỏ, tài chính, nhân lực yếu… nhiều khả năng sẽ bị “gạt ra” nhường phần cho các tập đoàn phân phối đa quốc gia.

Được biết Bộ Thương mại đang dự kiến sẽ lựa chọn và ưu tiên hỗ trợ 15-20 nhà phân phối tại những lĩnh vực trọng điểm làm đối trọng với các nhà phân phối nước ngoài sẽ có mặt tại thị trường VN. Tuy nhiên, Bộ này cũng khẳng định: Nhà nước sẽ không thể bảo hộ mãi được mà mỗi DN phải tự ý thức, cùng liên kết lại thành những hệ thống lớn để tồn tại.

Nguyễn Hiền - An Hạ