1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Các ngân hàng khắp châu Âu lỗ nặng

(Dân trí) - Tác động của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp lên các ngân hàng châu Âu đang được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Số liệu tài chính quý 4 và năm 2011 vừa được các nhà băng lớn công bố đều ghi nhận những khoản lỗ lên tới vài tỉ USD.

Cho đến thời điểm này “quán quân” về kinh doanh thất bát chính là Dexia SA. Ngân hàng thuộc đồng sở hữu của Pháp và Bỉ này đã lỗ tới 11,6 tỷ euro trong năm vừa qua. Trước đó họ đã phải nhờ đến sự giải cứu của chính phủ mới tránh được phá sản. Trong khi đó tại Anh, ngoại trừ HSBC và Barclays có kết quả khả quan, 2 ngân hàng có cổ phần của chính phủ nước này là Lloyds Banking Group và Royal Bank of Scotland Group PLC (RBS) đều lỗ nặng.

Các ngân hàng khắp châu Âu lỗ nặng - 1

Các ngân hàng châu Âu đang đối mặt thử thách lớn

Theo kết quả do chính Lloyds công bố, họ đã phải chịu khoản lỗ trước thuế lên tới 3,5 tỷ bảng (tương đương 5,5 tỷ USD) trong năm 2011. Đồng hương của họ, RBS, ngân hàng có 83% cổ phần thuộc sở hữu của Chính phủ Anh cũng thâm thủng 1,8 tỷ bảng (tương đương 2,82 tỷ USD).

Bên kia eo biển Manche, một trong những ngân hàng lâu đời của Pháp là Crédit Agricole SA cũng có kết quả kinh doanh tồi tệ nhất kể từ khi IPO năm 2001 với con số lợi nhuận âm 3,1 tỷ euro (tương đương 4,1 tỷ USD). Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh tệ hại nêu trên chính là việc các nhà băng này đã nắm giữ quá nhiều trái phiếu của chính phủ Hy Lạp.

Khi quốc gia này lâm vào khủng hoảng và EU yêu cầu các nhà đầu tư chia sẻ gánh nặng bằng cách xóa một phần nợ cho Hy Lạp, đồng nghĩa với hàng trăm triệu euro của các ngân hàng trên “không cánh mà bay”.

Crédit Agricole SA chính là những người chịu tác động nặng nề nhất khi “trót dại” đặt cược vào tình hình nợ nần của các quốc gia Nam Âu. Họ là chủ sở hữu của ngân hàng Hy lạp Emporiki và nắm giữ tỉ lệ lớn cổ phần tại một ngân hàng TBN cùng một ngân hàng BĐN. Các cổ phần này đã mất giá gần 1 tỷ euro trong quý 4.

Và trong bối cảnh kinh tế u ám như hiện nay, các nhà băng còn phải chịu chi phí lớn do trích lập dự phòng nợ xấu đang ngày càng tăng cao. CEO của Crédit Agricole SA Jean Paul Chifflet nhận định “Tình hình kinh tế sẽ còn khó khăn ít nhất là trong năm 2012 và có thể còn kéo dài thêm vài năm nữa”. Hiện tại ngân hàng này đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, hướng tới cắt giảm thua lỗ thay vì dự báo có lãi trước đó.

Thanh Tùng
Theo WSJ và CNBC