Các mạng di động tự “đốt” kho số rồi... kêu cứu!

Mặc dù đều đã được cấp hai mã nhưng cả 3 nhà cung cấp dịch vụ di động lớn của VN là: MobiFone, VinaPhone và Viettel vừa “đồng thanh” xin Bộ Bưu chính Viễn thông cấp thêm dải số, nhằm bổ sung cho kho số sắp cạn kiệt... Vì sao có hiện tượng này?

Có thể nói bên cạnh việc phát triển như vũ bão về thị trường viễn thông thời gian qua thì, bản chất sâu xa của vấn đề là hiện tại, cả ba mạng đều đang "đốt kho số" vào các số thuê bao ảo (không hoạt động) khổng lồ.

Tăng con số hay thêm mã?

Dự kiến, thay vì đổi số di động (lên 11 con số), các mã mạng mới sẽ được cấp là 010, 011, và 012. Về lý thuyết, mỗi đầu số tương đương với 10 triệu thuê bao, nhưng với tình hình phát triển thuê bao như hiện nay, khi phát triển đến 4 hoặc 5 triệu thuê bao, nhà cung cấp dịch vụ đã chuẩn bị phương án xin thêm đầu số để tránh tình trạng hết số.

Đại diện phòng Kinh doanh công ty VinaPhone cũng thừa nhận: “Hiện tại, mỗi mạng đang có từ 5-6 triệu thuê bao thực, nhưng trên thực tế Bộ BCVT đã phải cấp tới 20 triệu số mới”.

Từ góc độ người tiêu dùng, lẽ đương nhiên là số di động càng ngắn càng dễ nhớ. Và cơ quan quản lý nhà nước là Bộ BCVT cũng khẳng định dứt khoát rằng, giữ nguyên 10 con số của một mạng di động, tránh phiền hà cho người dân vì phải đổi số.

Ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông cho biết: "Chúng tôi đã xác định rõ chủ trương không mở rộng số di động dài hơn 10 con số, mà chỉ mở thêm đầu số, theo quy tắc mã đa mã".

DN phản ứng gay gắt!

Phản ứng gay gắt nhất từ phía doanh nghiệp là mạng Vietel (098/097), với lập luận rằng, nếu cấp thêm mã mới thì kho số cũng chỉ mở rộng trong một thời gian ngắn, như “nước máy nhỏ giọt”. Ông Tống Viết Trung, Giám đốc Viettel Telecom cho biết: “Về nguyên tắc, mỗi đầu số 09xxxxxxxx, các mạng di động chỉ dùng được tối đa khoảng 7 triệu số”.

Để bán được hàng thì trên kênh phân phối phải tồn tại khoảng 2-3 triệu sim. “Theo lý giải này, cứ một năm, Viettel đã phải tung ra thị trường 10 triệu sim mới (tương ứng với 10 triệu số di động). Hiện tại, với hai đầu số, chúng tôi cũng chỉ sử dụng được khoảng 16 triệu sim di động, nên luôn ở trong tình trạng quá tải” - ông Trung giải thích thêm.

Bởi thực tế đối với Viettel, mới chỉ được 1 năm kể từ khi xin thêm đầu số 097 (cuối năm 2006), DN này đã phải xin mở rộng thêm kho số của mình. Viettel cho rằng, nếu cứ tiếp tục như vậy, họ sẽ tốn rất nhiều chi phí để làm công tác thương hiệu, tiếp thị cho mã mạng mới.

Ông Trung cho rằng, với phương án đổi số di động lên 11 con số, mỗi mạng di động chỉ cần nhanh chóng cài đặt lại trên hệ thống, bù lại sẽ được chủ động hơn trong kinh doanh. Ông này cũng cam kết, Viettel sẽ thông báo, bồi hoàn xứng đáng cho khách hàng vì sự thay đổi phiền hà này.

Về phía mạng 090/093, ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc công ty Thông tin Di động VMS MobiFone nêu ý kiến: "Chúng tôi cũng ủng hộ cách thêm một số vào dải số 10 số di động hiện nay, thay vì phải cấp thêm mã mạng mới. Hiện nay, khách hàng MobiFone cũng mới chỉ biết tới mạng với đầu số 090. Để tiếp thị, đầu tư cho mã mạng mới, doanh nghiệp phải mất rất nhiều công sức, chi phí sản xuất, tiếp thị...”

Còn VinaPhone, ông Hoàng Trung Hải - Giám đốc cũng dè dặt đưa ra ý kiến: "VinaPhone hiện đã trình cả hai phương án thêm mã và tăng thành 11 số thuê bao để chờ Bộ cấp duyệt mở rộng kho số. Tuy nhiên, thông tin từ ban lãnh đạo mạng này cũng thừa nhận rằng, việc tiếp thị mã di động mới theo dải 01 sẽ khó khăn và ít khả thi hơn phương án tăng thêm một con số".

Vậy, giải pháp nào?

Lý giải cho yêu cầu này của doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ BCVT cho rằng, việc cung cấp dịch vụ ĐTDĐ theo mã đa mã sẽ dần dần tạo thế ngang bằng cho các mạng di động. Khi đến đăng ký hòa mạng dịch vụ, khách hàng chỉ cần biết tôi hòa mạng mạng nào, mà không quan tâm đến mã mạng là gì...

Tuy vậy, cũng theo vị lãnh đạo này, vấn đề sâu xa là các mạng di động cần hạn chế nạn thuê bao rời mạng, thuê bao ảo, gây lãnh phí kho số. Gần đây nhất, Bộ đã yêu cầu tất cả các mạng tuân thủ báo cáo lượng thuê bao theo biểu mẫu chung, nhằm rà soát lại tình hình phát triển thuê bao.

Các số liệu thống kê, đến thời điểm này, vẫn chưa được đầy đủ. Trong khi, với ba đại gia di động chiếm thị phần lớn hiện nay, tình trạng "cháy số" di động, cạn kiệt kho số...đã đến gần!

Theo Hoàng Hùng
VietNamnet