Các doanh nghiệp “hứa” giảm giá bán ô tô

Sáng 24/8, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với đại diện của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để bàn về vấn đề thuế và việc giảm giá ô tô, đây là một trong những giải pháp của ngành tài chính nhằm kiềm chế mức độ tăng giá của thị trường.

Ngay sau cuộc họp, ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời phỏng vấn báo chí.

Xin ông cho biết nội dung và kết quả của cuộc họp này. Các DN có ý kiến gì về việc giảm giá bán xe sau khi Bộ Tài chính đã có quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và xe ô tô đã qua sử dụng?

Trong cuộc họp này, chúng tôi có nghe các DN nói về tình hình sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2007. Nếu nói về giá, theo các DN, giá bán ô tô của họ trong 7 tháng vẫn là mức giá bán trong năm 2006 thậm chí, tính ra còn giảm đi do các DN còn thực hiện nhiều chính sách khuyến mãi.

Dù nhu cầu năm nay tăng nhưng các DN không kịp đáp ứng do năm 2006, các DN thực sự khó khăn vì cầu giảm và vì Nhà nước đã cho phép nhập khẩu ô tô đã sử dụng; kế hoạch nhập khẩu phụ tùng, nguyên liệu đã không phù hợp với tình hình của năm 2007.

Do đó, một số chủng loại xe trên thị trường trở nên khan hiếm. Từ đầu năm đến nay, theo số liệu kiểm tra của Tổng cục Thuế thì chỉ có một số ít DN như Toyota là có lãi còn phần nhiều vẫn lỗ hoặc có lãi thấp.

Mặc dù vậy, tại cuộc họp, các DN đều thể hiện ủng hộ việc thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về các giải pháp cấp bách bình ổn giá cả thị trường), thống nhất với Bộ Tài chính tìm mọi cách để giảm giá bán ô tô theo hướng giảm chi phí.

Hiện nay, thuế chiếm khoảng 55- 60% giá thành sản xuất ô tô thì không giảm được rồi nhưng các chi phí về mua bán phụ tùng, linh kiện, chi phí khuyến mãi cho khách hàng, phí hoa hồng cho các đại lý... là có thể giảm được.

Các DN có kiến nghị cụ thể gì với Bộ Tài chính để họ có thể sớm thực hiện giảm giá bán xe?

Thuế Tiêu thụ đặc biệt, VAT là cố định rồi nên họ đề nghị giảm thuế nhập khẩu đối với phụ tùng sản xuất ô tô, nếu giảm được cái này sẽ tác động ngay đến giá.

Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến này vì hiện nay, sản xuất phụ tùng ô tô vẫn là ngành sản xuất cần bảo hộ. Nhưng cũng có thể giảm thuế nhập khẩu đối với những chủng loại phụ tùng nào mà DN trong nước không có khả năng sản xuất được.

Các DN cũng có ý kiến về tình trạng gian lận thương mại của các công ty thương mại nhập khẩu ô tô cũ và cả xe mới. Thực tế, chúng tôi cũng nắm được tình trạng gian lận cả về giá tính thuế nhập khẩu cũng như việc gian lận trong việc bán xe trong nước. Giá trên hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá bán thực tế.

Và điều này làm mất công bằng trong cạnh tranh. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, các DN cũng đề nghị có một cơ chế đối thoại giữa các DN với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng để họ được đóng góp ý kiến trong việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất ô tô trong nước. Điều này chúng tôi rất ủng hộ.

Có DN nào nêu thời điểm cụ thể họ có thể giảm giá không ? Và nếu DN chỉ hứa là giảm nhưng lại trì hoãn, không biết đến lúc nào thực hiện thì Bộ Tài chính có ý kiến gì?

Cái quan trọng là các DN đã cam kết không tăng giá bán mà sẽ giảm dần giá bán. Còn thời điểm cụ thể thế nào thì cái đó phụ thuộc vào chiến lược của từng công ty. Tôi cũng đã khuyến cáo với các DN là cần phải thay đổi chiến lược trong bối cảnh mới khi Việt Nam đã mở cửa thị trường, giảm dần thuế nhập khẩu đối với ô tô mới cũng như ô tô cũ.

Do kinh tế đã phát triển, nhu cầu tiêu thụ ô tô đăng tăng mạnh. 7 tháng đầu năm, cầu tăng khoảng 30% thì các DN cần phải có chính sách giảm giá để kích cầu tăng hơn nữa, chứ DN lại tăng giá bán thì không phù hợp.

Theo Mạnh Quân
Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm