Các địa phương phải tự lập dự toán thu chi
(Dân trí) - Nhiều ý kiến thống nhất đưa vào dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) lần này quy định các địa phương phải lập dự toán trung và dài hạn thu, chi ngân sách để nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển và gắn trách nhiệm
ác Đại biểu Quốc hội đã đưa kiến nghị: dự thảo sửa đổi Luật NSNN cần bắt buộc địa phương phải lập dự toán chi tiêu công trong trung hạn và dài hạn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình hội nhập sẽ tác động lớn đến thu chi ngân sách và hoạt động của lĩnh vực này cũng phải chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế.
Gắn trách nhiệm, quy hoạch với chi tiêu ngân sách
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần làm rõ việc dự toán chi ngân sách và trách nhiệm về chi ngân sách của các cơ quan trung ương và địa phương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, chi NSNN của chúng ta đang là cơ chế xin cho, các bộ, ban ngành và đặc biệt là ở địa phương chưa xây dựng được dự toán chi NSNN trong trung và dài hạn, dẫn đến mỗi năm phải xin NSNN 1 lần. Điều đó cho thấy chính sách quy hoạch, đầu tư phát triển ở các địa phương còn nhiều vấn đề, gây nợ công lớn.
“Sửa đổi Luật NSNN này này phải làm triệt để yếu tố dự toán chi tiêu NSNN và phân cấp chi tiêu của cơ quan trung ương và địa phương. Các bên (bộ, ngành, địa phương) cần ngồi lại, phân chia chi tiêu đến đâu và ai là người chịu trách nhiệm về các khoản chi ấy”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về thu NSNN hiện vẫn đang thực hiện cơ chế khoán dựa trên kết quả thu năm sau phải cao hơn năm trước. Theo các đại biểu, cơ chế này bộc lộ hạn chế là không tăng thu ở các địa phương có tốc độ phát triển nhanh, vượt trội. Không hỗ trợ cho các địa phương khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều đại biểu kiến nghị, phải quy định địa phương phải dự toán cả thu và chi NSNN trong dài hạn để nâng cao chất quy hoạch phát triển của địa phương đó, gắn trách nhiệm người đúng đầu, địa phương với đồng vốn ngân sách mà họ đã xin từ Trung ương.
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Điều 55 của Hiến pháp quy định, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định. Như vậy, theo đúng tinh thần Hiến pháp thì cần phải đảm bảo tính tự chủ, độc lập và tự chịu trách nhiệm của địa phương trong thu chi NSNN.
Về chi ngân sách, ngoài kiến nghị bắt buộc địa phương lập dự toán thu chi dài hạn, Chủ tịch Quốc hội cho biết Luật NSNN (sửa đổi) lần này cần làm rõ vai trò “hỗ trợ” của các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương với các địa phương chậm phát triển và còn yếu kém trong thu NSNN.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hưởng nhiều đầu tư của Nhà nước, có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh phải có dự toán thu NSNN cao hơn và có thể gánh đỡ cho các địa phương khác. Các địa phương vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển hạn chế, phải giảm thu, thậm chí tăng thêm chi cho họ để họ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phát triển.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, thu chi ngân sách của nhiều nước theo liên bang, mỗi bang có 1 chi tiêu ngân sách riêng. Ở ta không thể thế được, nếu áp dụng cơ chế chi tiêu ngân sách riêng thì TP HCM sẽ “sướng nhất” vì thu từ NSNN của địa phương này hiện rất lớn. Chúng ta phải thông nhất thu và chi, trong đó san sẻ trách nhiệm các tỉnh với nhau vì mục tiêu phát triển bền vững.
Hoạt động của NSNN cần theo chuẩn quốc tế
Cũng bàn về thu chi NSNN, góp ý vào dự thảo sửa đổi, các đại biểu đều băn khoăn với hướng thu – chi ngân sách trong thời gian tới. Theo đó, việc bãi bỏ thuế quan trong các cam kết hội nhập sẽ khiến thất thu lớn từ thuế nhập khẩu, cần đưa ra giải pháp thay thế: thu thuế xuất nhập khẩu là 1 khoản thu chính của NSNN. Bên cạnh đó, các chuẩn mực về nợ công, bội chi NSNN cũng phải tính theo chuẩn mực quốc tế.
Theo nhiều đại biểu, hội nhập rồi, NSNN phải trên tinh thần hội nhập, thuế phải đi đầu hội nhập, thị trường này thì phải định hướng ngân sách trong thời tới ra sao. Cứ nhằm mãi vào thu thuế xuất nhập khẩu thì làm gì còn. “Thu NSNN, thuế xuất nhập khẩu là chính thì đến năm 2015 và 2018 khi chúng ta gỡ bỏ hàng loạt thuế quan thì chúng ta sẽ làm sao, lấy gì để bù đắp đây?” đại biểu Quốc hội chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần đổi mới, hội nhập hoạt động của thu chi NSNN theo thông lệ quốc tế. Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nhiều lĩnh vực chúng ta đi khác so với thông lệ quốc tế khiến quá trình hội nhập khó khăn. Bội chi NNN quốc tế tính 1 cách, chúng ta tính theo 1 cách khác; nợ công họ tính 1 kiểu ta tính theo riêng ta, GDP người ta tính 1 đường.
Việc thí điểm chính quyền đô thị không có hội đồng nhân dân (HĐND) cũng sẽ nảy sinh vấn đề phân cấp chi tiêu NSNN như nào khi chính quyền đô thị đó cũng là thành phố sẽ nắm giữ toàn bộ nguồn ngân sách này. Bên cạnh đó, cơ chế xây phân bổ chi tiêu ngân sách cho chính quyền đô thị này sẽ phải khác đối với chính quyền cũ, chính quyền nông thôn.
Đặc thù này sẽ phải có các chính sách về luật NSNN khác nhau giữa hai địa phương này. “Đầu tư hạ tầng, bệnh viện, trường học ở đô thị sẽ phải lớn hơn vì nó là quy hoạch cho cả thành phố, còn các tỉnh thì đầu tư cơ sở hạ tầng, bệnh viện trường học của 1 huyện, xã thì chỉ giới hạn ở địa phương. Quy hoạch phân bổ tài chính cũng phải gắn với quy hoạch phát triển và các kế hoạch của các địa phương, đồng thời đảm bảo các chính sách lớn của Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.