Các “đại gia” gửi tiền tại đảo Síp có thể mất tới 60%
(Dân trí) - Những người gửi tiền lớn, có giá trị từ trên 100.000 euro trở lên tại ngân hàng lớn nhất của đảo Síp có thể phải chấp nhận mất tới 60%. Trong khi đó dịch vụ chuyển tiền phi pháp để né các biện pháp kiểm soát dường như đang nở rộ.
Hãng tin BBC dẫn thông tin từ ngân hàng trung ương đảo Síp cho biết đối với những người gửi tiền trên 100.000 euro, 37,5% số tiền gửi của họ sẽ bị chuyển thành cổ phiếu của ngân hàng Bank of Cyprus.
Nhiều người gửi tiền lớn tại đảo Síp sẽ bị thiệt hại nặng
Tối đa 22,5% tiếp theo sẽ được chuyển vào một quỹ không sinh lời và có thể không bao giờ được hoàn trả. 40% còn lại sẽ được trả lãi nhưng người gửi sẽ không được rút tiền cho đến khi nào hoạt động của ngân hàng trở lại bình thường.
Vẫn theo BBC, những người gửi tiền lớn nhất tại Bank of Cyprus biết rằng mình sẽ phải chịu tổn thất nhất định sau thỏa thuận giải cứu của đảo Síp với bộ 3 chủ nợ là IMF, ECB và EU, nhưng ít ai ngờ mức độ lại lớn đến vậy.
Các quan chức đảo Síp cho biết những người gửi tiền lớn tại Laiki, ngân hàng lớn thứ hai của nước này còn có thể bị thiệt hại nặng hơn. Tuy nhiên chưa có chi tiết cụ thể nào được nêu ra. Hiện có những lo ngại rằng, một khi các biện pháp kiểm soát vốn chưa từng có tiền lệ của Síp được dỡ bỏ, những người gửi tiền lớn nhất sẽ ồ ạt chuyển tiền khỏi nơi này.
Ngoài ra những khoản tổn thất nặng nề hơn dự báo có thể gây hậu quả ghê gớm đối với những người gửi tiền lớn là các tổ chức như trường học. Người dân tại các quốc gia eurozone khác đang chìm trong nợ cũng lo sợ đảo Síp có thể trở thành một tiền lệ để các chính phủ đưa ra các biện pháp tương tự.
Cho đến nay, nhiều biện pháp kiểm soát tiền tệ ngặt nghèo vẫn đang được chính phủ Síp áp dụng. Ngoài việc chỉ được rút tiền mặt tối đa 300 euro/ngày, người dân ở đây cũng không thể nộp séc để rút tiền mặt. Những ai xuất cảnh cũng không được phép mang quá 1000 euro. Mới chỉ có việc sử dụng các loại thẻ tín dụng và ghi nợ nội địa là được sử dụng bình thường tại đây.
Dịch vụ chuyển tiền lậu nở rộ
Giữa lúc nhiều người gửi tiền lớn đang nháo nhào tìm cách đưa tiền rời khỏi đảo Síp để tránh rủi ro, dịch vụ chuyển tiền lậu đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội để kiếm lời.
Theo tờ Financial Times, những tuần qua ít nhất đã có 3 người bị bắt khi đang tìm nắm giữ hơn 200.000 euro tiền mặt mỗi người trong lúc rời khỏi Síp. Và toàn bộ số tiền này đều bị tịch thu và các nghi phạm bị tạm giữ để thẩm vấn. Lực lượng cảnh sát cũng được huy động để giám sát chặt hoạt động tại thị trấn Limassol ở phía Nam, nơi được cho là điểm vận chuyển tiền lậu ra nước ngòai bằng đường biển.
Trong khi đó, một doanh nhân người Nga có tên Sergei Tyulenev cho biết, hôm thứ Năm tuần trước, thời điểm các biện pháp kiểm soát tiền tệ được chính phủ Síp áp dụng, ông đã nhận được một cuộc gọi từ những người địa phương chào mời dịch vụ chuyển số tiền hơn 1 triệu euro khỏi một ngân hàng đang sắp bị khai tử với giá 200.000 euro.
Theo đó những người này đề xuất chuyển số tiền của ông đang bị kẹt lại ở Laiki bank, ngân hàng sắp bị khai tử và những người gửi tiền trên 100.000 euro có thể mất trắng, sang một ngân hàng khác là Hellenic Bank, một ngân hàng không nằm trong nhóm bị áp dụng các biện pháp kiểm soát tiền tệ. “Họ nói rằng tôi phải trả trước 200.000 euro. Tôi đã từ chối”, Tyulenev khẳng định.
Dường như đây không phải trường hợp cá biệt liên quan đến những hoạt động ngầm nhằm trục lợi từ những bất ổn tài chính của Síp. Theo BBC, chính quyền đảo quốc này vừa mở cuộc điều tra sau khi báo giới Hy Lạp nếu đích danh tên của một số chính trị gia được cho rằng đã được một số ngân hàng Síp xóa nợ ngay khi cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm.
Trước đó 3 ngân hàng là Bank of Cyprus, Laiki và Hellenic Bank đã xóa nợ hàng triệu euro cho nhiều công ty, quan chức địa phương và các chính trị gia của những đảng lớn nhất hòn đảo này. Hiện danh sách những người liên quan đã được chuyển lên Ủy ban đạo đức của quốc hội Síp.
Thanh Tùng
Tổng hợp