Các đại gia bất động sản có bao nhiêu tiền trong "két sắt"?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp bất động sản có hàng nghìn tỷ đồng tiền nhàn rỗi, mang đi gửi ngân hàng hưởng lãi suất. Tuy nhiên, một số khác ghi nhận số tiền ít ỏi.

Mặc dù lượng tiền và tiền gửi ngân hàng của các doanh nghiệp bất động sản tại ngày 30/9 đã giảm so với đầu năm nhưng khoản lãi tiền gửi ngắn hạn 1-3 tháng hoặc 3-12 tháng với lãi suất lần lượt khoảng  3-6%/năm hoặc 6-9%/năm không hề nhỏ.

Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) ghi nhận tại ngày 30/9, lượng tiền nhàn rỗi (gồm tiền mặt, tương đương tiền, tiền gửi và đầu tư ngắn hạn) là 7.549 tỷ đồng, giảm 56% so với đầu năm. Trong đó, riêng tiền gửi ngân hàng là 4.154 tỷ đồng.

Riêng quý III, Vinhomes thu về gần 1.777 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, đặt cọc và cho vay, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Con số này đóng góp vào lợi nhuận sau thuế 10.723 tỷ đồng quý này.

Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) có 3.484 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, giảm 61% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn số này là tiền gửi ngân hàng, hưởng lãi suất. Bởi vậy, lãi từ tiền gửi ngân hàng trong 9 tháng đầu năm là 158 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) có 788 tỷ đồng tiền nhàn rỗi tại ngày 30/9, giảm 28% so với đầu năm. Đất Xanh cũng mang tiền đi gửi ngân hàng, thu nhập từ lãi vay, tiền gửi trong 9 tháng năm nay là 52 tỷ đồng, đóng góp vào lợi nhuận sau thuế đạt gần 150 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) có 3.506 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, giảm 26% so với đầu năm. Thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi cho vay trong 9 tháng đạt 118 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) có 2.334 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm 15% so với đầu năm, chiếm 10% tài sản ngắn hạn. Khoản tiền gửi ngắn hạn 1-3 tháng với lãi suất từ 3,8% đến 5,5%/năm, tuy nhiên lãi tiền gửi 9 tháng khoảng 31 tỷ đồng.

Các đại gia bất động sản có bao nhiêu tiền trong két sắt? - 1

Nhiều doanh nghiệp bất động sản có hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) tại ngày 30/9 còn khoảng 30 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm khoảng 60% so với đầu năm. Hay Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) còn tiền nhàn rỗi khoảng 68 tỷ đồng, giảm 75% so với đầu năm. Cả Phát Đạt và Quốc Cường Gia Lai đều có tiền chiếm chưa tới 0,4% tài sản ngắn hạn.

Còn Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - mã chứng khoán: DIG) có 403 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, chiếm gần 4% tài sản ngắn hạn.

Theo nguyên tắc kế toán, tiền và các khoản tương đương tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng và các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn gốc không quá 3 tháng, tính thanh khoản cao, có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành các lượng tiền xác định và không có nhiều rủi ro trong chuyển đổi thành tiền.

Tiền đóng vai trò thanh toán, quản lý vốn, quản lý dòng tiền, chi phí trả lương và phúc lợi cho nhân viên hoặc ứng phó trong các tình huống khẩn cấp… Tuy nhiên, các khoản tiền này được hạch toán mang tính thời điểm nên có thể thay đổi theo thời gian, có thể được điều chỉnh theo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Thậm chí, tiền nhàn rỗi còn được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay và bảo lãnh tại ngân hàng. Tại ngày 30/9, tiền và các khoản tương đương tiền được Novaland dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay và bảo lãnh là 132 tỷ đồng; tiền đang được quản lý bởi ngân hàng cho vay theo mục đích sử dụng từng dự án là 958 tỷ đồng. Các con số này đều thấp hơn nhiều so với đầu năm.